Giao thông hào xưa dần hiện ra sau khi người dân phát dọn.
Vào một chiều cuối tháng 4 lịch sử, chúng tôi đến xã Thanh An với mong muốn có thể gặp được những người đã làm nên chiến công hiển hách năm xưa. Nhưng thời gian trôi qua đã lâu, những chiến sĩ năm nào nay đã thành người thiên cổ. Thứ còn lại với chúng tôi là di tích nơi dân quân Thanh An bắt máy bay Mỹ đền tội cùng câu chuyện về trận đánh năm nào trong hồ sơ di tích đang nằm trang trọng tại UBND xã Thanh An. Lật giở từng trang hồ sơ, quá khứ về những ngày tháng đau thương nhưng cũng rất đỗi hào hùng của quân và dân Ðiện Biên như hiện ra trước mắt. Tháng 8/1964, đế quốc Mỹ dựng lên “sự kiện vịnh Bắc Bộ” vu cáo hải quân ta bắn vào tàu của Mỹ trên đường biển quốc tế, lấy cớ để máy bay ném bom miền Bắc Việt Nam. Nằm ở cửa ngõ phía nam của khu vực trung tâm huyện Ðiện Biên nên xã Thanh An là mục tiêu bắn phá ngày đêm và khốc liệt của máy bay Mỹ. Ðể đối phó trước sự phá hoại của kẻ thù, lực lượng dân quân xã Thanh An được thành lập với 30 người do ông Quàng Văn Xí làm đội trưởng, ông Quàng Văn Ðôi làm đội phó và được huấn luyện cơ bản về kỹ, chiến thuật. Lúc đầu, đội đóng quân tại bản Xôm, gần một số đơn vị như huyện đội, đội dân quân xã Noong Hẹt và Sam Mứn nhưng vị trí này địa thế thấp, khó bắn trả máy bay địch ở tầm cao. Nhận chỉ đạo của Huyện đội, đội dân quân Thanh An chuyển lên vị trí cao hơn ở đồi ông Khụt thuộc bản Chiềng Chung. Ở vị trí này đội dân quân quan sát, bao quát được toàn bộ khu vực xã và lòng chảo huyện Ðiện Biên, có thể khống chế máy bay địch ở tầm cao hơn. Chuyển về vị trí mới, đội dân quân của xã đã nhanh chóng đào hầm, làm nơi trú ẩn của đội và nơi sơ tán của nhân dân. Ðội chia làm nhiều tổ, mỗi tổ gồm 4 người thay nhau trực 24/24 giờ. Và được trang bị một khẩu đại liên, ba khẩu CKC. Với tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, sẵn sàng đánh trả khi máy bay Mỹ đến đánh phá bất cứ thời điểm nào. Khoảng 16 giờ ngày 15/3/1966, một tốp máy bay Mỹ từ hướng Tây Trang xâm phạm vùng trời huyện Ðiện Biên. Ðến địa phận xã Thanh An, tổ trực chiến do ông Quàng Văn Ðôi làm đội trưởng, trực tiếp cầm súng đại liên, ông Lò Văn Túi tiếp đạn cho ông Ðôi; ông Quàng Văn Xí, Quàng Văn Sam sử dụng súng CKC liên tục bắn vào tốp máy bay. Một trong số đó, chiếc máy bay F4H trúng đạn bốc cháy tại địa phận xã, tiếp tục bay và rơi tại bản Co Mỵ, xã Thanh Chăn (nay là xã Thanh Hưng, huyện Ðiện Biên). Chiến công là nhân tố mở đầu cho việc củng cố lòng tin vào vũ khí bộ binh, khả năng chiến đấu tiêu diệt máy bay Mỹ của dân quân tự vệ, góp phần cổ vũ động viên tích cực phong trào bắn máy bay Mỹ trong toàn tỉnh. Ðể cổ vũ tinh thần dũng cảm chiến đấu của dân quân tự vệ trong toàn tỉnh, Tỉnh ủy và Ủy ban Hành chính tỉnh Lai Châu (cũ) tổ chức lễ đón nhận cờ thưởng “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của Hồ Chủ tịch ngay tại vị trí dân quân Thanh An bắn rơi máy bay Mỹ.
Gấp lại những trang hồ sơ rất đỗi tự hào, chúng tôi tìm đến đồi ông Khụt để mục sở thị nơi gần 60 năm trước đã lập nên chiến công hiển hách. Ông Nguyễn Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Thanh An cho biết: Di tích dân quân Thanh An bắn rơi máy bay Mỹ được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2014 gồm hệ thống giao thông hào hình chữ S dài khoảng 90 - 100m, rộng 0,8 - 1m, nằm trên đồi rộng khoảng 2ha. Khu vực di tích gồm 2 đỉnh đồi, đỉnh đầu tiên có hệ thống đường hào, tuy ở vị trí không cao nhưng có tầm nhìn bao quát rộng, thuận lợi cho việc quan sát toàn bộ khu vực lòng chảo Ðiện Biên và khống chế đường bay của địch ở tầm thấp. Ðỉnh thứ 2 nằm ở phía Bắc của di tích, có vị trí cao hơn nhưng không có giao thông hào. Thế nhưng do thời gian, tác động của con người phát đồi làm nương, trồng cây lâu năm... ; một số khu vực trên đồi dân bản Chiềng Chung sử dụng làm nghĩa trang nhân dân. Hiện nay, hệ thống giao thông hào đã bị san lấp mất một phần, còn lại một số đoạn giao thông hào dài khoảng 30 - 40m nhưng cũng bị cây cỏ mọc um tùm. Với trách nhiệm của mình, chính quyền xã cũng chỉ biết tuyên truyền để người dân bảo vệ nguyên vẹn di tích. Nhất là khi bản Chiềng Chung có người mất xã đều cử cán bộ xuống để hướng dẫn người dân không đào mồ chôn xâm phạm vào đất di tích. Chính quyền xã cũng mong các cấp, ngành sớm có sự đầu tư, quy hoạch xây dựng để bảo tồn di tích. Bởi đây là một trong những “địa chỉ đỏ” về tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân Ðiện Biên trong những ngày kháng chiến chống Mỹ trường kỳ.
Chiến tranh lùi xa đã nhiều năm. Ðất chiến trường xưa nay đã nảy chồi xanh, đơm trái ngọt. Dấu tích của chiến công năm xưa tại xã Thanh An vẫn còn như để nhắc nhở thế hệ đi sau về những ngày tháng chiến đấu hào hùng của dân tộc. Dẫu biết tỉnh nhà còn nhiều khó khăn, nhưng trên quan điểm cá nhân, chúng tôi hết sức đồng tình với những mong mỏi của chính quyền xã Thanh An về một khu di tích lịch sử để người dân Ðiện Biên, du khách gần xa có thể biết đến, ghi nhớ và tri ân những chiến công của thế hệ cha anh đi trước.