Điện Biên là huyện nằm ở phía Tây - Nam của tỉnh, với 2 cửa khẩu (cửa khẩu Quốc tế Tây Trang và cửa khẩu Quốc gia Huổi Phuốc), Huyện có diện tích tự nhiên 139.578,84 ha, gồm 21 xã; dân số toàn huyện trên 100.000 người; trong đó có 07 dân tộc chủ yếu, gồm: Thái (52,89%), Mông (9,96%), Kinh (27,03%), Lào (2,84%), Khơ Mú (5,58%), còn lại là các dân tộc khác. Có thể khẳng định Điện Biên là địa chỉ đỏ trong hoạt động phát triển du lịch gắn với các di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện như du lịch sinh thái, ẩm thực, tìm hiểu lịch sử văn hóa cộng đồng, giao lưu văn hóa, lịch sử như: suối Khoáng nóng U Va, xã Noong Luống, Pe Luông, xã Thanh Luông; khám phá hang động Chua Ta, xã Hẹ Muông, hang động Pa Thơm, xã Pa Thơm; một số di sản văn hóa phi vật thể như: Lễ hội cầu mùa của dân tộc Khơ Mú, Lễ hội té nước dân tộc Lào, Lễ hội dòng họ và Lễ hội Nào Pê Chầu của dân tộc Mông, Lễ hội Xên bản của dân tộc Thái. Đặc biệt, di tích lịch sử Thành Tam Vạn; thành Bản Phủ, xã Noong Hẹt ...Công tác bảo tồn và phát triển văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn huyện Điện Biên thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định; nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số được kiểm kê, nhận diện; các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao diễn ra sôi nổi; các di tích hiện có bước đầu được đầu tư và phát huy giá trị.
Để ghi nhận, tôn vinh những người có công bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản Văn hóa phi vật thể tại cộng đồng, làm cho di sản thực sự có ý nghĩa với đời sống xã hội;ngày 13/11/2015 Chủ tịch nước ký Quyết định số 2533/QĐ-CTN về việc phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” lần thứ Nhất năm 2015. Trong đó, huyện Điện Biên vinh dự có 2 nghệ nhân được phong tặng trong đợt này gồm: 1 nghệ nhân ở xã Noong Luống và 1 nghệ nhân ở xã Núa Ngam. Năm 2019, có 6 nghệ nhân được phong tặng nghệ nhân ưu tú, trong đó có 1 nghệ nhân ở xã Pa Thơm đã chết được truy tặng.
Nhằm tiếp tục động viên khích lệ và ghi nhận sự đóng góp tích cực của các nghệ nhân vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện; Phòng Lao động – TB&XH đã phối hợp với các phòng ban, UBND các xã triển khai rà soát việc hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn theo quy định tại Nghị định 109/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 10/10/2020. Trên địa bàn huyện có 7 nghệ nhân ưu tú được hưởng trợ cấp sinh hoạt hàng tháng, mức trợ cấp là 700.000 đồng/người/tháng, thời gian hưởng từ tháng 6 năm 2018. Ngoài ra, các đối tượng trên còn được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế với mức đóng như đối với người thuộc hộ gia đình nghèo (mức đóng tại thời điểm ban hành Nghị định này bằng 4,5% mức lương cơ sở do Chính phủ quy định); đồng thời được hưởng bảo hiểm y tế khi khám bệnh, chữa bệnh với mức hưởng như đối với người thuộc hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Có thể nói, trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, vai trò của đội ngũ nghệ nhân hết sức quan trọng. Bởi họ chính là những người “giữ lửa” và “tiếp lửa” cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương và hiểu được tâm tư, ước vọng, truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Do đó, việc phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú” có ý nghĩa quan trọng, không chỉ là sự ghi nhận, đánh giá cao đối với những đóng góp to lớn của các nghệ nhân mà còn cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những người tài năng và tâm huyết với văn hóa dân tộc. Bởi vì, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng bằng tình yêu văn hóa truyền thống, đội ngũ nghệ nhân đã và đang dành nhiều thời gian để trao truyền lại cho thế hệ trẻ.
Việc phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú”, đặc biệt là việc thực hiện các chính sách đãi ngộ, trong đó có chính sách trợ cấp sinh hoạt hàng tháng theo Nghị định 109/2015/NĐ-CP dành cho họ sẽ là động lực khích lệ những “báu vật sống” tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ cho việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.