Vụ mùa năm 2012, toàn tỉnh gieo cấy trên 16,2 ngàn ha lúa. Trong đó, toàn bộ 4,3 ngàn ha của trà sớm đang trong giai đoạn cuối làm đòng đến trổ bông; trà muộn và trà chính vụ cũng đã kết thúc quá trình đẻ nhánh, bước vào giai đoan phân hóa đòng – làm đòng. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: do không còn khả năng tự hồi phục nên mọi tác động của sâu bệnh dù nhỏ nhất cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và sản lượng cây trồng. Ngoài các đối tượng dịch hại như sâu đục thân, tập đoàn rầy, bọ xít, đạo ôn, bạc lá vi khuẩn ... thì sâu cuốn là nhỏ là đối tượng có mức độ gây hại mạnh nhất, nguy hiểm nhất hiện nay. Do vậy, việc tăng cường điều tra đồng ruộng, phát hiện và xử lý kịp thời sự phát sinh của loại sâu hại này đang trở thành vấn đề cấp thiết.
Tại một điểm thâm canh lúa chất lượng cao của xã Thanh Xương, huyện Điện Biên. Thoạt nhìn sự sinh trưởng phát triển khá tốt, đồng đều của các thửa ruộng, nhiều người sẽ hình dung ngay ra được một vụ mùa bội thu nữa ở lòng chào Mường Thanh. Tuy nhiên, với nhà chuyên môn thì hoàn toàn không phải đơn giản như vậy. Dù lúa có thể đang phát triển rất tốt, nhưng nếu chủ quan đối với những diễn biết phát sinh phức tạp, khó lường của thời tiết, sâu bệnh bùng phát mạnh sẽ dẫn đến hiện tượng giảm năng suất, hay cũng có khi là mất trắng trên diện rộng một cách nhanh chóng mà không kịp trở tay. Thực tế, mới chỉ cần lội vào ruộng cách bờ 2 mét, những bác sỹ lúa nhanh chóng có thể phát hiện ra rất nhiều loại sâu bệnh với những biểu hiện hết sức đặc trưng. Trong khi những vệt đạo ôn lá, những ổ trứng rầy và bọ xít đang chờ cơ hội thuận lợi để gây hại... thì sâu cuốn lá nhỏ – một trong những đối tượng đặc biệt nguy hiểm đối với cây lúa vào thời kỳ làm đòng đã xuất hiện với mật độ lớn và đến ngường phòng trừ.
Cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra tình hình sâu bệnh hại trên lúa
Với điều kiện thời tiết từ đầu vụ đến nay, nền nhiệt độ cao xen kẽ với những đợt mưa rào là điều kiện rất thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại, đặc biệt là đối tượng sâu cuốn lá nhỏ. Tại thời điểm này, theo kết quả điều tra của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, mật độ sâu cuốn lá nhỏ trên các trà lúa mật độ trung bình 8-10 con/m2, cao 15-20con/m2, cục bộ ở huyện Điện Biên có nơi đã lên tới 30 con/m2. Trong các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa đều có khả năng bị sâu cuốn lá nhỏ gây hại song mức độ bị hại rõ rệt nhất thường vào giai đoạn lúa làm đòng, trỗ bông. Bởi khi lá đòng bị hại sẽ làm giảm khả năng quang hợp, không cung cấp dủ dinh dưỡng nuôi đòng, nuôi bông nên năng suất lúa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do vậy, việc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ ở giai đoạn lúa làm đòng, trổ bông là việc làm hết sức cấp thiết vào thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, để phun phòng trừ hiệu quả nhất đối với sâu cuốn lá nhỏ là phải phát hiện và phun khi tuổi sâu còn nhỏ, khả năng gây hại chưa lớn. Nếu để đến khi phát hiện cây lúa có hiện tượng trắng lá mới tổ chức phun sẽ hầu như không còn mang lại hiệu quả. Kỹ sư Đào Thị Khuyên, phòng Kỹ thuật Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo: “Bà con nông dân cần chủ động thăm đồng, kịp thời phát hiện các loại sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Đối với bệnh sâu cuốn lá nhỏ, bà con nên sử dụng các loại thuốc tiếp xúc”.
Ngoài sâu cuốn lá nhỏ là đối tượng gây hại chính, hiện nay trên khắp các cánh đồng của lòng chảo Mường Thanh còn có tới gần 10 đối tượng sâu bệnh khác cần tập trung theo dõi và triển khai các biện pháp phòng trừ. Để bảo vệ an toàn sản xuất, huyện Điện Biên cần phối hợp với ngành chuyên môn chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền về công tác dự tính, dự báo, cảnh báo, hướng dẫn biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho nông dân; kiểm tra thăm đồng thường xuyên, đánh giá tình hình sâu bệnh trên từng trà lúa, giống lúa, xác định mật độ, đối tượng gây hại, diện tích đến ngưỡng để chỉ đạo phòng trừ, không để dịch bùng phát; đồng thời thực hiện công tác phòng trừ theo nguyên tắc “đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng và nồng độ” để đảm bảo diệt trừ sâu bệnh hại, bảo vệ thiên địch, không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và tiết kiệm chi phí sản xuất.