ĐBP - Nói đến điểm văn hóa Linh Sơn (đội 5, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên), chắc ai cũng biết đây là một “điểm nhấn” về du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, vào thời điểm này không nhiều người biết rằng ở đây có một cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo đã được Sở Y tế cấp Giấy phép số: 989/QĐ-SYT ngày 16/12/2014, và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2015. Từ đó đến nay, cơ sở đã khám và cấp thuốc miễn phí cho hàng nghìn người nghèo, đối tượng chính sách và người cao tuổi…
Bác sỹ Phòng khám nhân đạo đọc kết quả điện tim và kê đơn thuốc cho bệnh nhân nghèo.
Lần theo địa chỉ do một phật tử ở điểm văn hóa Linh Sơn cung cấp, chúng tôi tìm đến nhà Bác sỹ Lê Thu Hiền - người chịu trách nhiệm về chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo (điểm văn hóa Linh Sơn). Tại đây, chúng tôi được Bác sỹ Hiền chia sẻ rất nhiều về công việc ở phòng khám cũng như những băn khoăn, trăn trở, làm thế nào để tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và duy trì phòng khám lâu dài để phục vụ người nghèo?. Qua câu chuyện, chúng tôi được biết, sở dĩ cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo này được thành lập là do tấm lòng của những người làm từ thiện và chính Bác sỹ Hiền là người có nhiều công lao đóng góp. Sau khi nghỉ chế độ hưu trí, Bác sỹ Hiền đã nhiều lần cùng đoàn từ thiện của Chùa Linh Sơn (Hà Nội) đi khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Nhận thấy bà con còn nhiều khó khăn, không có điều kiện đến các cơ sở y tế khám, chữa bệnh, Bác sỹ Hiền đã bàn với sư cụ Thích Nữ Như Hiền, Trụ trì Chùa Linh Sơn (Hà Nội) về việc thành lập cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo.
Sau khi được sự đồng ý của sư cụ, Bác sỹ Hiền đi vận động các thầy thuốc nghỉ hưu; các y, bác sỹ, điều dưỡng đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và ngành Công an, Bộ đội luân phiên nhau đóng góp ngày nghỉ trong tuần để khám, chữa bệnh từ thiện. Nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của tất cả mọi người, Bác sỹ Hiền đã đứng ra làm thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo, và chính mình là người chịu trách nhiệm về chuyên môn kỹ thuật. Toàn bộ thiết bị, máy móc và thuốc men của phòng khám đều do Chùa Linh Sơn (Hà Nội) tài trợ từ nguồn vận động quyên góp, ủng hộ của các đơn vị, tổ chức, cá nhân khắp mọi miền. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo (điểm văn hóa Linh Sơn) luôn nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực từ các cấp chính quyền và nhân dân trên địa bàn.
Được Bác sỹ Hiền cho biết trước kế hoạch, nên hôm nay chúng tôi có mặt tại phòng khám theo đúng lịch làm việc. Ngay từ sáng sớm, các bệnh nhân đã có mặt đông đủ và được hướng dẫn làm thủ tục khám bệnh, lấy số theo thứ tự. Mặc dù thời tiết nóng bức, đông người, nhưng các y, bác sỹ vẫn miệt mài làm việc liên tục không nghỉ ngơi, vì sợ các bệnh nhân phải chờ lâu. Cảm động trước sự tận tình của các thầy thuốc, bệnh nhân Đèo Thị Thuận, bản Na Púng, phường Thanh Trường chia sẻ: “Chúng tôi là những nông dân hoàn cảnh khó khăn, không có thẻ bảo hiểm y tế, không có điều kiện để khám bệnh ở bệnh viện. Hôm nay đến đây được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, còn được các thầy thuốc đón tiếp chu đáo, tư vấn sức khỏe tận tình. Chúng tôi cảm động lắm! Phòng khám đã mở ra cơ hội cho người nghèo như chúng tôi được tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại như thế này”.
Được biết, mỗi tháng phòng khám tổ chức khám bệnh 2 lần vào ngày nghỉ cuối tuần của giữa tháng và cuối tháng. Chủ yếu khám cho người nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn 5 xã biên giới của huyện Điện Biên gồm: Thanh Nưa, Thanh Yên, Thanh Hưng, Thanh Chăn, Thanh Luông và một phần của phường Thanh Trường (T.P Điện Biên Phủ).
Bác sỹ Lê Thu Hiền kê đơn thuốc cho bệnh nhân.
Tại phòng khám, Bác sỹ Lê Thu Hiền cho biết: “Hiện nay, phòng khám được trang bị 1 máy siêu âm hiện đại, 1 máy điện tim và rất nhiều loại thuốc phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh. Ê kíp khám bệnh của chúng tôi thường từ 8 - 10 người, trong đó có 3 - 4 bác sỹ. Hàng tháng, chúng tôi xây dựng kế hoạch khám, chữa bệnh gửi về từng xã; sau đó xã lựa chọn các đối tượng theo tiêu chuẩn, lập danh sách gửi lại phòng khám. Trong quá trình khám bệnh, chúng tôi phát hiện rất nhiều người mang bệnh nặng mà chưa từng đi khám bệnh bao giờ”. Cũng theo Bác sỹ Hiền, tất cả đội ngũ y, bác sỹ ở đây đều với một tinh thần tự nguyện; làm việc không có thù lao nhưng luôn tận tụy, trách nhiệm hết mình với người bệnh.
Trung úy, Bác sỹ Vũ Quang Huy, Bệnh xá trưởng Bệnh xá 40 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) cũng là người gắn bó với phòng khám từ thiện này từ ngày mới thành lập. Tháng nào cũng vậy, đều đặn mỗi tháng 2 lần Bác sỹ Vũ Quang Huy có mặt tại phòng khám để khám bệnh cho bà con. Bác sỹ Huy chia sẻ: “Khi được Bác sỹ Hiền đặt vấn đề khám từ thiện cho đồng bào nghèo là tôi ủng hộ ngay. Mặc dù tôi vẫn còn nhiều công việc khác phải làm, nhưng tôi luôn coi công việc ở phòng khám từ thiện là một nhiệm vụ mà mình phải hoàn thành…”.
Còn chị Phạm Kim Oanh, cán bộ điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh mới nghỉ chế độ, cho biết: “Hiện tôi đang làm việc cho một phòng khám đa khoa tư nhân, công việc rất bận, nhưng tôi vẫn sắp xếp dành thời gian để phụ giúp Bác sỹ Hiền, cũng như đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để giúp bệnh nhân nghèo”. Chúng tôi hiểu những tấm lòng của các y, bác sỹ, điều dưỡng đang làm việc tại đây. Mặc dù không có thù lao nhưng họ vẫn cống hiến hết sức mình để phục vụ người bệnh một cách âm thầm, lặng lẽ. Chính bởi vậy mà khi chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu để viết bài, tất cả các y, bác sỹ, điều dưỡng ở đây đều bảo rằng: “Việc khám chữa bệnh từ thiện cho người nghèo có to tát gì đâu, đăng báo làm gì cho ầm ĩ”.
Đánh giá về cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo Linh Sơn, Thạc sỹ Lương Đức Sơn - Phó Giám đốc Sở Y tế - cho rằng: Đây là cơ sở khám chữa bệnh nhân đạo đầu tiên trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Mặc dù phòng khám chưa được chuyên sâu như các phòng khám đa khoa khu vực, nhưng đã hỗ trợ được việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào nghèo. Thạc sỹ Lương Đức Sơn cũng cho biết: Ông đã đăng ký với Bác sỹ Hiền và thời gian tới đây ông sẽ thu sếp công việc để trực tiếp tham gia khám chữa bệnh từ thiện cho bà con. Ông cũng sẽ kêu gọi một số bác sỹ giỏi đang công tác trong ngành Y tế cùng tham gia và có thể cùng với Bác sỹ Hiền tổ chức, phân công lại, xây dựng kế hoạch khám chữa bệnh cho hợp lý để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người nghèo.
Như vậy, các thầy thuốc dù đang công tác hay đã nghỉ chế độ, họ “đồng cảm” ở chỗ chọn điểm văn hóa Linh Sơn là nơi tấm lòng hội tụ với mong muốn sẻ chia. Vẫn biết cơ sở vật chất phục vụ công tác khám chữa bệnh ở đây không thể bằng các bệnh viện lớn, nhưng bù lại, các y, bác sỹ khám chữa cho bệnh nhân bằng cả tấm lòng, đúng nghĩa “Lương y như từ mẫu”. Hàng ngày, trong tiếng chuông chùa tịch mịch, có rất nhiều nỗi niềm được đắp đổi, sẻ san. Bệnh tật có thể không khỏi ngay (nhất là bệnh trọng), nhưng cơn đau người bệnh thì được xoa dịu, tấm lòng thầy thuốc được ghi nhận và thật đáng nâng niu, quý trọng.
Hy vọng trong thời gian tới, phòng khám điểm văn hóa Linh Sơn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, tài trợ của các đơn vị, tổ chức, cá nhân về thiết bị máy móc, thuốc men; nhất là sự đóng góp công sức của các thầy thuốc đang công tác cũng như đã nghỉ hưu, để phòng khám phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu khám, chữa bệnh cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.