• Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7
  • Thời gian đăng: 16/03/2021 03:34:50 PM
  • Trong những năm gần đây, mua bán người đã trở thành một vấn nạn, gây bức xúc trong toàn xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới. Tình hình tội phạm mua bán người nói chung và mua bán phụ nữ, trẻ em nói riêng diễn biến ngày càng phức tạp; tính chất và thủ đoạn hoạt động ngày càng nghiêm trọng, tinh vi, xảo quyệt; nhiều trường hợp có tổ chức chặt chẽ và có tính xuyên quốc gia.
  • Nạn nhân của các vụ việc này đều phải chịu những tổn thất to lớn về tâm, sinh lý. Hậu quả không dừng lại ở cá nhân, gia đình, mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Với tính chất nguy hiểm của loại tội phạm này năm 2013 Liên hợp quốc đã đưa tội phạm buôn bán người vào “Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu” và ngày 30/7 hằng năm được chọn là “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người”. Tại Việt Nam, ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg và lấy ngày 30 tháng 7 hằng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc…

    Mua-ban-nguoi.jpg(Ảnh minh họa)

    Tình trạng tội phạm mua bán người ở nước ta xảy ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng, với thủ đoạn của bọn tội phạm ngày càng tinh vi. Phần lớn các vụ mua bán người đều do các đường dây tội phạm thực hiện, có sự kết cấu chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước và ngoài nước, với nhiều thủ đoạn hứa hẹn việc làm, môi giới hôn nhân, cho nhận con nuôi. Chúng thường lên mạng Internet để làm quen, rồi dụ dỗ các bé gái và chị em ở nông thôn có nhu cầu việc làm theo chúng lên biên giới tìm việc, hoặc vờ yêu đương rồi bán cho bọn "Mua bán người". Thậm chí, ngay cả người nhà cũng lừa nhau đem bán ra nước ngoài. Nhiều trường hợp bạn bè chơi với nhau hàng ngày, nhưng khi cần tiền để chơi bời chúng sẵn sàng dụ dỗ, đem bán cho kẻ xấu… Thời gian gần đây đã xuất hiện cả những vụ mua bán đàn ông, học sinh, sinh viên, mua bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê...

    Theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho thấy, hiện nay, các loại tội phạm bạo hành, xâm hại phụ nữ, trẻ em có chiều hướng tăng về đối tượng, nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng. Về tội phạm mua bán người, trong sáu tháng đầu năm 2020, trên toàn quốc phát hiện 60 vụ, liên quan 85 đối tượng, lừa bán 90 nạn nhân (giảm 31,5% số vụ, tăng 40% số đối tượng và giảm 39,7% số nạn nhân so cùng kỳ 2019). Đặc biệt, tội phạm mua bán người thường lợi dụng phụ nữ, trẻ em ở các vùng nông thôn, miền núi, biên giới, người dân tộc thiểu số có trình độ hạn chế, hoàn cảnh khó khăn để lừa bán qua biên giới. Ngoài ra, thủ đoạn tổ chức xuất cảnh trái phép để lao động thời vụ, sau đó lừa bán để cưỡng bức lao động, ép bán dâm, bán cho đàn ông mua làm vợ, thậm chí bán nội tạng cũng rất phổ biến. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, hoạt động tội phạm buôn bán người càng thêm phức tạp. Phụ nữ và trẻ em chiếm hơn 70% nạn nhân mua bán người và họ cũng là nhóm người bị ảnh hưởng tiêu cực nhất trong đại dịch.

    Nhằm tiếp tục đẩy lùi, nâng cao hơn nữa công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. Ngày 09/02/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 193/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu, yêu cầu cụ thể của chương trình là đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho cá nhân, gia đình và cộng đồng về công tác phòng, chống mua bán người ưu tiên các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các cơ quan báo chí ở trung ương, địa phương và hệ thống Đài Truyền thanh cấp huyện, cấp xã hàng tháng có chuyên mục, tin, bài tuyên truyền về phòng, chống mua bán người phù hợp các nhóm đối tượng khác nhau và đặc điểm của từng địa phương. Thường xuyên cập nhật các hình thức, thủ đoạn và mục đích của tội phạm mua bán người trên các trang mạng và mạng xã hội có nhiều người theo dõi, truy cập tại Việt Nam.

    Nhằm hiện thực hóa các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã ban hành Kế hoạch số 586/KH-UBND, ngày 08/3/2021 về Phòng, chống mua bán người năm 2021. Nội dung kế hoạch nhằm tăng cường các biện pháp, nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân trên toàn tỉnh trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người.

    Để phòng ngừa, đấu tranh với những loại tội phạm này, trước hết mọi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân. Đây là yếu tố cần thiết trong công tác phòng ngừa, tránh tạo môi trường thuận lợi để bọn tội phạm hoạt động. Luôn cảnh giác, đề phòng người lạ hoặc cả người thân đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn. Cảnh giác với những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có. Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết. Tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm, mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người bạn đi cùng mình như thế nào. Trước khi đi hãy tham khảo ý kiến mọi người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết bạn sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa. Thường xuyên tìm hiểu để nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ, có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và giúp cho người thân khỏi bị mua, bán. Quan trọng luôn nhớ địa chỉ và số điện thoại tin cậy, có thể là của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân, ... để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết. Đồng thời, tuyên truyền cho những người thân trong gia đình, bạn bè biết và cảnh giác với tội phạm buôn bán người.

    Khi phát hiện hành vi buôn bán người hãy thông báo cho cơ quan pháp luật, tổ chức chính quyền nơi gần nhất. Tích cực phòng chống nạn mua, bán người, mỗi người dân hãy cùng đoàn kết, hành động vì sự an toàn của mỗi người, mỗi gia đình, vì tương lai tốt đẹp của toàn xã hội./.

     

  • Tác giả: Nguyễn Hoài Nam - Trung tâm VH-TT-TH huyện
  • Các tin bài khác:
  • Đồng bào DTTS huyện Điện Biên góp phần giữ vững an ninh biên giới
    Hiệu quả từ cụm liên kết ANTT ở huyện Điện Biên
    Bộ đội biên phòng tỉnh: Phối hợp với các lực lượng bảo vệ an ninh biên giới
    Huyện Điện Biên xây dựng lực lượng DQTV và DBĐV vững mạnh toàn diện
    Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới
    Huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên: Gắn phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn với chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật
    Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động của Hội đồng nhân dân 2 cấp tỉnh - huyện lần thứ 4, nhiệm kỳ 2011-2016
    Mời họp triển khai, xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Quốc gia ISO:9001-2008
    Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
    Gần 3.600 người chết vì tai nạn giao thông trong 5 tháng
    31-40 of 2068<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >
  • Bản đồ hành chính
  • Liên kết Website
  • Chọn liên kết:
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập: