• Mã định danh cá nhân có phải là số căn cước công dân?
  • Thời gian đăng: 07/10/2023 09:24:39 AM
  • Người đã làm thẻ căn cước công dân gắn chip thì số thẻ căn cước chính là mã số định danh cá nhân.

    Cụm từ "mã số định danh cá nhân" ngày càng quen thuộc với người dân khi được sử dụng trong nhiều thủ tục hành chính và có vai trò quan trọng trong kết nối, liên thông dữ liệu công dân.

    Theo điều 19 Luật Căn cước công dân, số thẻ Căn cước công dân là mã số định danh cá nhân. Số này được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, khai thác thông tin của công dân. Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác.

    Như vậy, mỗi công dân sẽ được cấp một mã số định danh cá nhân riêng và duy nhất. Khi đi làm thẻ căn cước công dân gắn chíp, cơ quan có thẩm quyền sẽ dùng chính mã số định danh cá nhân cấp trước đó để làm số căn cước công dân.

    Thẻ căn cước công dân gắn chíp. Ảnh: Phạm Dự

    Thẻ căn cước công dân gắn chíp

    Nghị định 137/2015 quy định, số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số và chính là số căn cước công dân. Mã số định danh có cấu trúc như sau:

    - 3 số đầu là mã tỉnh, thành phố hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh. Ví dụ: Hà Nội là 001, TP HCM 079, Đà Nẵng 048, Hải Phòng 031,...

    - Số thứ 4 là mã thế kỷ sinh, mã giới tính. Ví dụ: Thế kỷ 20 thì nam số 0, nữ số 1; thế kỷ 21 thì nam 2 nữ 3,...

    - 2 số tiếp theo là mã năm sinh của công dân;

    - 6 số cuối là khoảng số ngẫu nhiên.

    Trong mã số định danh cá nhân sẽ tích hợp nhiều thông tin của công dân như họ tên khai sinh, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú, tạm trú, quê quán, dân tộc, tôn giáo, thông tin chủ hộ và các thành viên trong gia đình...

    Mã số định danh cá nhân dùng để làm gì?

    Từ tháng 7/2021, khi Luật Cư trú có hiệu lực, việc quản lý về cư trú của công dân sẽ dựa trên mã số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay thế cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy. Số định danh cá nhân còn được dùng để thay thế một số loại giấy tờ liên quan đến nhân thân như chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu...

    Mỗi một mã định danh đều gắn với các thông tin cơ bản của một cá nhân được Bộ Công an quản lý. Từ dữ liệu trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các tổ chức sẽ dùng mã số định danh cá nhân để kiểm tra thông tin công dân trong trường hợp cần thiết.

    Ngoài ra, mã định danh còn thay cho mã số thuế cá nhân để khai báo thuế. Theo khoản 7 điều 35 Luật Quản lý thuế, khi mã định danh cá nhân được cấp cho toàn bộ người dân thì mã này sẽ được sử dụng thay cho mã số thuế.

    Khi có mã số định danh, người dân có thể dùng thay thế cho các giấy tờ liên quan đến nhân thân để thực hiện thủ tục trong lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản.

    Giấy khai sinh của trẻ con sẽ có mã số định danh cá nhân. Ảnh: Phạm Dự

    Giấy khai sinh của trẻ sẽ có mã số định danh cá nhân.

    Cách xin cấp mã số định danh cá nhân

    Với công dân đăng ký khai sinh, theo điều 14 nghị định 137/2015, khi nhận đủ giấy tờ để đăng ký khai sinh, cơ quan đăng ký hộ tịch phải chuyển các thông tin của người được đăng ký khai sinh cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm mã số định danh.

    Như vậy, mỗi trẻ em sinh ra khi đi đăng ký khai sinh sẽ được cấp ngay một mã số định danh cá nhân, dùng đến suốt đời.

    Với công dân đã đăng ký khai sinh nhưng chưa được cấp số định danh cá nhân thì cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập số định danh cá nhân cho công dân theo thông tin hiện có trên cơ sở dữ liệu. Ngay sau khi tạo được mã số định danh, cơ quan quản lý gửi văn bản thông báo cho công dân.

    Trường hợp công dân đã có số định danh mà được xác định lại giới tính hoặc cải chính năm sinh thì cơ quan quản lý sẽ làm lại số định danh cho công dân.

    Số định danh cá nhân hiển thị trên app VNeID. Ảnh: Chụp màn hình

    Số định danh cá nhân hiển thị trên app VNeID

    Tra cứu mã số định danh cá nhân thế nào

    Người có căn cước công dân 12 số thì số căn cước chính là mã số định danh cá nhân.

    Nếu chưa có căn cước công dân tra cứu số định danh cá nhân của mình trên Cổng dịch vụ công quản lý cư trú như sau:

    - Truy cập Dịch vụ công quốc gia theo địa chỉ dichvucong.dancuquocgia.gov.vn và đăng nhập.

    - Tại ô tìm kiếm nhập từ "Thông báo lưu trú" sau đó chọn nộp trực tuyến.

    - Mã số định danh cá nhân sẽ hiện thị ở mục Thông tin người thông báo.

    Một cách khác, người dân có thể tra cứu số định danh trên ứng dụng VNeID. Sau khi mở ứng dụng, bạn chọn vào "Thông tin cá nhân" sẽ hiện ra.

    Với trẻ em, mã số định danh sẽ hiển thị ngay trên Giấy khai sinh. Đặc biệt, khi truy cập ứng dụng VNeID, người dân chọn vào mục "Thông tin lưu trú", sẽ hiển thị mã số định danh của các thành viên trong cùng hộ gia đình.

  • Nguồn tin: https://vnexpress.net/ma-so-dinh-danh-ca-nhan-co-phai-la-so-can-cuoc-cong-dan-4603431.html
  • Các tin bài khác:
  • Giải bóng chuyền Công nông binh huyện Điện Biên năm 2016
    Tổng kết giải bóng chuyền công nông binh huyện Điện Biên năm 2016
    Huyện Điện Biên tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi huyện Điện Biên lần thứ III năm 2016
    Đảng bộ Ban chỉ huy Quân sự huyện Điện Biên học tập làm theo gương Bác
    Ngô lai - Cây xóa đói, giảm nghèo
    Nông dân Điện Biên thời hội nhập
    Núa Ngam đẩy mạnh việc học tập làm theo tấm gương Bác
    Huyện Điện Biên sản xuất nông nghiệp hướng tới thích ứng với biến đổi khí hậu
    Ban chỉ huy quân sự huyện Điện Biên tổ chức hội thi quân khí, năm 2016
    Hội bảo trợ Trẻ em Việt Nam trao 20 xe đạp cho học sinh
    71-80 of 2070<  ...  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  ...  >
  • Bản đồ hành chính
  • Liên kết Website
  • Chọn liên kết:
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập: