Ðội văn nghệ thôn Ðông Biên 1, xã Thanh An luyện tập các tiết mục văn nghệ.
Triển khai phong trào xây dựng thôn, bản văn hóa, trước hết Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng thôn, bản văn hóa. Khi người dân hiểu và ủng hộ, phong trào xây dựng thôn, bản văn hóa đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành phong trào thi đua sôi nổi trong toàn huyện. Ðến nay, huyện Ðiện Biên có 320/465 thôn, bản được công nhận đạt danh hiệu văn hóa. Nhiều xã có trên 70% thôn, bản đạt danh hiệu văn hóa; trong đó 2 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới là Thanh Chăn và Thanh Xương.
Thanh Chăn là xã đầu tiên của huyện Ðiện Biên đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới với 18/18 thôn, bản đều đạt danh hiệu văn hóa. Trong đó, 8 thôn, bản tiêu biểu được công nhận và duy trì danh hiệu văn hóa liên tục từ năm 2002 đến nay, như: Hồng Lếch Cang, Co Mỵ, Thanh Hồng 10A, B, 11...
Anh Lò Văn Út, cán bộ văn hóa xã Thanh Chăn cho biết: Năm 2017, xã được công nhận đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Ðể đạt kết quả đó, hàng năm Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” xã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, phù hợp với thực tế địa phương. Trong đó, chú trọng tuyên truyền về ý nghĩa việc xây dựng thôn, bản văn hóa đến người dân. Thông qua các cuộc họp dân, tổ chức đảng, đoàn thể các thôn, bản phối hợp với thành viên Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” xã tuyên truyền, vận động các hộ dân đăng ký danh hiệu gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa. Hoạt động bình xét được thực hiện công khai, minh bạch.
Thanh Xương cũng là xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới với 24/26 thôn, bản đạt danh hiệu văn hóa. Chị Nguyễn Thanh Miền, cán bộ văn hóa xã Thanh Xương cho biết: Song song với phát triển số lượng các thôn, bản đạt danh hiệu văn hóa, chúng tôi đặc biệt quan tâm duy trì và nâng cao chất lượng các thôn, bản văn hóa đảm bảo điều kiện công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Ðến nay, 100% thôn, bản được công nhận danh hiệu văn hóa đều đạt từ 85 điểm trở lên (thang điểm 100); trong đó 4 thôn, bản đạt danh hiệu thôn, bản văn hóa tiêu biểu. Ðể nâng cao chất lượng, UBND xã chỉ đạo các thôn, bản đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đặc biệt khi bình xét gia đình văn hóa phải dân chủ, chính xác và công khai, tránh tình trạng ưu tiên anh em, họ hàng, người thân...
Huyện Ðiện Biên phấn đấu đến hết năm 2018 sẽ có 70% thôn, bản đạt danh hiệu văn hóa. Ðể đạt mục tiêu, hiện nay Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” huyện tăng cường phối hợp với các phòng, ban, đoàn thể và các tổ chức quần chúng phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên; nâng cao vai trò của các cơ quan tham mưu và công tác vận động quần chúng của ban chỉ đạo các cấp.
Bà Lò Thị Dung, cán bộ phụ trách phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ðiện Biên) cho biết: Ðể nâng cao chất lượng các thôn, bản, xã đã được công nhận danh hiệu văn hóa, Ban Chỉ đạo huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện ở từng địa bàn. Ðặc biệt vào dịp cuối năm yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc bình xét các danh hiệu văn hóa, bảo đảm thực chất, phản ánh đúng quá trình phấn đấu của mỗi gia đình, thôn, bản, khu dân cư, cơ quan trên địa bàn. Ðể bảo đảm dân chủ, khách quan trong việc xét duyệt, Ban Chỉ đạo huyện chủ trương để nhân dân tham gia, đóng góp ý kiến; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; thường xuyên bình xét, phân loại, công nhận và khen thưởng tạo động lực nhân rộng, nâng cao chất lượng, đảm bảo tính bền vững của phong trào. Thực tế cho thấy, tại những cơ sở đạt danh hiệu văn hóa, tình đoàn kết cộng đồng ngày càng bền chặt, môi trường văn hóa lành mạnh, đời sống kinh tế được cải thiện, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện.