Tham dự Hội nghị tại điểm cầu huyện Điện Biên có đồng chí Nông Quang Thắng – Phó Chủ tịch UBND huyện, cùng các đồng chí lãnh đạo các phòng, ban, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện; thành viên Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc Đề án 06 huyện.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số nêu rõ, đây là một Đề án có sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt với quyết tâm cao, bởi vì chuyển đổi số là công việc rất khó khăn, chưa có tiền lệ, nếu không có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt thì khó có thể đạt được kết quả. Có thể nói, một trong những "điểm sáng" của chuyển đổi số ở nước ta trong 2 năm qua là Đề án 06.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Công an đã báo cáo về công tác thực hiện đề án 06 thời gian qua. Qua 2 năm thực hiện, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ Đề án 06 được tiến hành quyết liệt, thường xuyên, liên tục, bài bản với quyết tâm chính trị cao từ cấp Trung ương đến địa phương. Nhận thức, hành động của các cấp, các ngành và Nhân dân về Chuyển đổi số (CĐS) nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng có sự chuyển biến tích cực. Nhiều tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử đã được cung cấp, người dân và xã hội được thụ hưởng ngày càng tốt hơn, như: 38/53 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân đã được cung cấp trên cổng dịch vụ công quốc gia. Trong đó, có 36 dịch vụ công được thực hiện toàn trình, điển hình như: Thông báo lưu trú (tỷ lệ 97%) với 6.317.643 lượt người dân thực hiện khai báo lưu trú trực tuyến, không phải đến cơ quan công an; Có hơn 2 triệu thí sinh thực hiện đăng ký thi trực tuyến... Người dân đã được: miễn giảm phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; được cung cấp đầy đủ các giấy tờ bảo đảm các hoạt động, công việc hằng ngày cả trên môi trường mạng (100% công dân đã được cấp mã số định danh cá nhân; 84,7 triệu công dân đã được cấp thẻ căn cước gắn chíp điện tử; hơn 70 triệu tài khoản định danh điện tử đã được cấp).
Đối với các cơ quan Nhà nước, Đề án 06 đã góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công, sử dụng giấy tờ sang phương thức quản lý hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin. Nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chính xác trong quản lý thông tin cơ bản của công dân giữa các bộ, ngành, địa phương. Tiết kiệm thời gian, công sức, cơ sở vật chất trong xây dựng và vận hành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được quan tâm chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt, qua đó đã hoàn thành 5/5 văn bản pháp luật theo lộ trình Đề án 06, đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản liên quan góp phần tạo hành lang pháp lý cho việc chuyển đổi các mặt hoạt động của xã hội và cơ quan Nhà nước từ thủ công sang ứng dụng công nghệ hiện đại. Đã tạo lập và ngày càng hoàn thiện, kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu phục vụ CĐS quốc gia, hướng tới xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia…