Bình đẳng giới là một trong những quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật và trong các Công ước Quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Theo Khoản 3, Điều 5 Luật Bình đẳng giới thì: “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó”. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Đàn bà có quyền bình đẳng với đàn ông về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình”. Trong bản di chúc viết tháng 5 năm 1968, Người đã căn dặn: "Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất, Ðảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Ðó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ".
Trong thời đại phong kiến, người phụ nữ chỉ làm nhiệm vụ nội trợ, chăm sóc chồng con, phụng dưỡng bố mẹ chồng, không hề được tham gia các hoạt động xã hội, sống khép mình theo khuôn khổ “tam tòng, tứ đức”. Nhưng giờ đây, theo sự thay đổi chung của thời đại, người phụ nữ ngoài trách nhiệm truyền thống là làm con, làm dâu, làm mẹ, làm vợ… đã thực sự bước vào xã hội với nhiều vai trò khác nhau trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật… và phụ nữ đã và đang nắm giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, doanh nghiệp… ngày càng chiếm tỷ lệ cao. Rất nhiều phụ nữ có kinh tế, có địa vị xã hội nhưng vẫn không quên thiên chức làm vợ, làm mẹ. Họ biết tận dụng giờ nghỉ, tranh thủ đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con và cả gia đình, tranh thủ đi học để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Đó chính là hiện thân của phụ nữ trong thời đại mới, hội đủ các yếu tố “công, dung, ngôn, hạnh” thời nay. Người phụ nữ muốn thực sự làm chủ được bản thân, gia đình và xã hội cần vươn lên để thành đạt trong sự nghiệp, có thu nhập, có cuộc sống tinh thần phong phú và một phong cách sống độc lập của riêng mình. Người phụ nữ cần làm tốt thiên chức cao đẹp của người vợ, người mẹ, đó là cơ sở để chị em tham gia công tác xã hội đạt hiệu quả. Ngược lại, vị thế xã hội cũng giúp cho người phụ nữ có uy tín và điều kiện nuôi dạy con cái, gìn giữ hạnh phúc gia đình. Thực tế đã chứng minh, có nhiều phụ nữ xuất sắc trên con đường sự nghiệp, cống hiến cho Tổ quốc, cho nền văn minh nhân loại, nổi tiếng trên trường quốc tế.
Xác định công tác Bình đẳng giới, Vì sự tiến bộ của phụ nữ là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp huyện Điện Biên đã triển khai nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ vươn lên trong học tập, lao động, sản xuất và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh, Chương trình quốc gia về Bình đẳng giới và kế hoạch hành động hằng năm của huyện, các phòng ban, cơ quan, đơn vị, địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu, mục tiêu bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ đã đề ra trong giai đoạn. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ được đẩy mạnh, duy trì nhiều mô hình truyền thông về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; các hoạt động hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc được triển khai hiệu quả, thu hút ngày càng nhiều hội viên tham gia. Thông qua công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới; giúp cho các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức và nhân dân thấy rõ nguy cơ, thực trạng của vấn đề bất bình đẳng giới. Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ huyện đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền phòng chống tình trạng buôn bán phụ nữ, bạo lực gia đình, sức khoẻ sinh sản… Hội LHPN huyện đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền về bình đẳng giới, thông qua các chương trình, các mô hình sinh hoạt CLB phụ nữ, tổ chức các cuộc toạ đàm, nói chuyện chuyên đề. Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình huyện tăng thời lượng tin, bài tuyên truyền về bình đẳng giới, các hoạt động của phụ nữ trong phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi. Các xã thường xuyên chỉ đạo các tổ hòa giải ở cơ sở tiến hành hoà giải, hàn gắn những mâu thuẫn của các cặp vợ chồng, góp phần giảm thiểu tình trạng ly hôn, phụ nữ bị hạn chế về quyền lợi.
Công tác bình đẳng giới được quan tâm lồng ghép trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đào tạo nghề, vay vốn tạo việc làm tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo. Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã tranh thủ khai thác các nguồn vốn, mở rộng vốn uỷ thác từ Ngân hàng CSXH nhằm phát triển các hoạt động cho vay và tiết kiệm trong tổ, nhóm phụ nữ. Tính đến tháng 12/2020, tổng dư nợ do Hội quản lý là 141 tỷ đồng cho 4.974 hộ vay để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập (trong đó: Ngân hàng Chính sách xã hội 121,8 tỷ đồng, cho 2.956 hội viên vay, Quỹ Phụ nữ phát triển huyện 17,1 tỷ đồng cho 1.756 hội viên vay; Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Điện Biên 2,1 tỷ đồng cho 253 hội viên vay). Cùng với đó, năng lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới không ngừng được nâng cao. Cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ dần được đào tạo, tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng về bình đẳng giới. Việc thực hiện 07 mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới có nhiều chuyển biến, số cán bộ nữ tham gia BTV Huyện uỷ nhiệm kỳ 2020-2025 là 2/12 đồng chí đạt 17%, BCH Huyện ủy 10/38 đồng chí đạt 26%; Trưởng, phó phòng và tương đương là 11/40 đồng chí đạt 28%; tham gia Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2011-2016, cấp huyện là 8/28 đồng chí đạt 29%, cấp xã là 34/168 đồng chí đạt 20%. Công tác bố trí, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ nữ được quan tâm và thực hiện theo đúng quy định của tỉnh, huyện. Đối với các hoạt động nhằm bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, ngành Y tế đã phối hợp đẩy mạnh phong trào chăm sóc sức khoẻ nhân dân, chăm sóc sức khỏe phụ nữ; tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sức khoẻ sinh sản và phòng, chống các bệnh xã hội…
Trong những năm qua, phụ nữ trong huyện đã khẳng định được vị thế trong gia đình và xã hội. Thời gian tới, huyện Điện Biên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về bình đẳng giới trên địa bàn. Huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân trong cộng đồng, đặc biệt là nam giới trong công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực hỗ trợ phụ nữ học tập, tạo điều kiện để phụ nữ phát huy hết khả năng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Với sự quan tâm của các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị và toàn xã hội, trong đó vai trò nòng cốt là tổ chức Hội LHPN, hoạt động bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn huyện Điện Biên đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của phụ nữ trên các lĩnh vực được nâng cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Song, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới vẫn còn một số hạn chế như: Định kiến về giới, tư tưởng trọng nam giới hơn nữ giới vẫn còn tồn tại trong nhiều gia đình và một bộ phận dân cư nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tình trạng bạo lực gia đình đối với phụ nữ, tội phạm xâm hại phụ nữ, trẻ em gái còn xảy ra. Thời gian tới, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ huyện và các phòng ban, cơ quan, đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác bình đẳng giới đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ như: Công tác quy hoạch và bố trí, sử dụng cán bộ nữ nhằm nâng cao tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ, từng bước giảm dần khoảng cách về giới trong lĩnh vực chính trị; tạo điều kiện cho cán bộ nữ được tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động trong Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách pháp luật về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ tại các đơn vị, địa phương.
Thiết nghĩ, việc thực hiện tốt công tác bình đẳng giới ở huyện Điện Biên, rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị nhằm ngăn chặn các hành vi phân biệt đối xử về giới; giám sát việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới của cộng đồng. Đồng thời, cần phát huy tốt vai trò của mỗi gia đình trong việc tạo điều kiện cho các thành viên nâng cao nhận thức, hiểu biết và tham gia các hoạt động về bình đẳng giới.