• Giới thiệu Di tích lịch sử văn hóa Thành Bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên
  • Thời gian đăng: 26/03/2024 03:21:32 PM
  • DI TÍCH THÀNH BẢN PHỦ

             I. VỊ TRÍ, ĐỊA LÝ:

            Di tích Thành Bản Phủ (người dân địa phương thường gọi là Đền Hoàng Công Chất) thuộc địa phận Đội 14, 15,16, 22, 23 (sau khi sát nhập nay thuộc Bản Bản phủ, Thôn Tân Lập và Thôn Trần Phú) xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ 8 km về phía nam.

    TBP-1.jpg

    (Di tích Thành Bản Phủ từ trên cao)

              II. TỔNG QUAN VỀ KHU DI TÍCH

            Di tích Thành Bản Phủ do tướng lĩnh Hoàng Công Chất và Nhân dân các dân tộc xây dựng trong 4 năm từ 1758 đến 1762. Tòa thành nằm trong cánh đồng Mường Thanh trù phú, vựa thóc lớn của cả vùng Tây Bắc. Theo dân gian truyền lại thì thành rộng 80 mẫu, được xây dựng theo một hình dáng rất linh hoạt dựa theo thế tự nhiên, nhìn tổng thể thành giống hình ngũ giác với năm cạnh không đều nhau. Hai cạnh phía Tây dựa vào sông Nậm Rốm, cạnh phía Nam dựa vào suối Huổi Lé, cạnh phía Đông chạy song song với đường quốc lộ, cạnh phía Bắc nhìn dọc cánh đồng Mường Thanh. Tường thành đắp bằng đất cao 5m, mặt thành rộng từ 4 - 5m, chân thành rộng 10m. Thành chia ra 2 khu riêng biệt: Thành nội và thành ngoại.

            Thành có 4 cửa: Cửa tiền quay ra sông Nậm Rốm, tức hướng Tây; cửa hậu quay ra đường quốc lộ, tức hướng Đông; cửa hữu quay hướng Bắc và cửa tả quay hướng Nam. Ở mỗi cửa và các góc thành đều đắp ụ đất cao dựng chòi canh gác (Hiện nay vẫn còn một số dấu tích nền chòi canh gác, đứng ngoài đường nhìn vào, chòi canh gác được đắp cao như quả đồi).

            Năm 1981, di tích Thành Bản Phủ được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tại Quyết định số 10/QĐ -VHTT, ngày 9 tháng 02 năm 1981 của Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

             III. SỰ KIỆN, NHÂN VẬT LỊCH SỬ, ĐẶC ĐIỂM CỦA DI TÍCH

            Vào thế kỷ XVIII, triều đình phong kiến Trung ương bạc nhược, lục đục thêm vào đó hạn hán, lũ lụt xảy ra liên miên, dân chúng đói rét, tha phương cầu thực rất nhiều. Quá đói khổ và mất lòng tin vào Triều đình nên Nhân dân đã nổi dậy chống Triều đình ở nhiều nơi và thế kỷ XVIII cũng được ghi nhận là thế kỷ diễn ra nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân nhất.

            Một trong những cuộc đấu tranh tiêu biểu của nông dân là cuộc khởi nghĩa của tướng quân Hoàng Công Chất (Hoàng Công Chất hay còn gọi là Hoàng Công Thư - Thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân vùng Sơn Nam hạ (1739 - 1769 thời Lê Trung Hưng). Ông sinh năm 1706, mất năm 1767, quê làng Hoàng Xá, huyện Thư Trì, trấn Sơn Nam Hạ, nay thuộc xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tinh Thái Bình).

            Xuất thân trong một dòng họ có truyền thống yêu nước, phò vua giết giặc ngoại xâm (thời Lê Trung Hưng các vị tổ dòng họ Hoàng đã được vua Cảnh Hưng sắc phong) ông đã lãnh đạo phong trào nông dân khởi nghĩa kéo dài 30 năm từ 1739 -1769. Cuộc khởi nghĩa nổ ra ở vùng Sơn - Nam (Thái Bình, Nam Định và một phần tỉnh Ninh Bình ngày nay), trong thời gian hoạt động ở đây Hoàng Công Chất đã liên kết với nhiều lãnh tụ nông dân như: Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Nguyễn Hữu Cầu... nhằm chống lại chính quyền phong kiến Lê Trịnh. Đến năm 1748 quân Trịnh đã tập trung lực lượng đàn áp các cuộc khởi nghĩa, tình hình hoạt động ở đồng bằng gặp nhiều khó khăn, nghĩa quân đã tiến lên hoạt động ở miền thượng du Thanh Hóa.

            Năm 1751 nghĩa quân Hoàng Công Chất từ Sơn Nam (Thái Bình) tiến dần lên Hưng Hóa (khu Tây Bắc ngày nay), tại đây Hoàng Công Chất đã được Nhân dân các dân tộc thiểu số Tây Bắc hết lòng ủng hộ. Thời kỳ này ở vùng Tây Bắc luôn bị giặc ngoại xâm vào cướp phá và gây nhiều tội ác. Giặc Phẻ đã từ Vân Nam Trung Quốc về cướp phá bản mường vùng Tây bắc nước ta, chúng rất mạnh và vô cùng tàn ác, cướp phá, giết hại dân lành và là mối uy hiếp lớn đối với Nhân dân toàn Tây Bắc.

            Thời kỳ đó, ở Mường Thanh Phạ, Châu Tin Tòng cầm đầu giặc Phẻ chúng từ miền thượng Lào và Vân Nam (Trung Quốc) tràn sang cướp phá, tội ác của chúng không sao kể siết. Ở Điện Biên ngày nay vần còn lưu giữ một số chứng tích do giặc Phẻ gây ra như: Cánh đồng Tông Khao ở Độc Lập, ngày xưa giặc bắt tất cả trẻ em quanh vùng dồn vào vùng trũng rồi tháo nước ngập cho chết, sau khi nước rút xác trẻ em chết trắng xóa vì vậy cánh đồng này được người địa phương gọi là Tông Khao (Đồng trắng).

            Trước tội ác của giặc Phẻ, Nhân dân các dân tộc ở Mường Thanh vô cùng căm giận, giữa lúc đó có hai thủ lĩnh người Thái là tướng Ngải và tướng Khanh xuất thân từ gia đình nông dân nghèo ở Mường Sại (Sơn La) lên Mường Thanh lập nghiệp đã đứng lên tập hợp, lãnh đạo Nhân dân các dân tộc vùng Mường Thanh chống lại giặc Phẻ, song do lực còn yếu, nghĩa quân do hai ông lãnh đạo đã chịu nhiều tổn thất và phải rút lên vùng núi cao để bảo toàn lực lượng.

            Lúc này nghe tin nghĩa quân Hoàng Công Chất đang hoạt động ở miền Nam thượng Lào, tướng Ngải, tướng Khanh đã tìm đến nghĩa quân Hoàng Công Chất. Được sự ủng hộ, Hoàng Công Chất kết hợp với tướng Ngải, tướng Khanh lãnh đạo nghĩa quân và Nhân dân theo đường rừng núi Sông Mã tiến về giải phóng Mường Thanh.

            Căn cứ đầu tiên của nghĩa quân đặt tại huyện Sông Mã (Sơn La), lực lượng của nghĩa quân được bổ sung mỗi ngày thêm đông, thêm mạnh, đa dạng nhiều tộc người: Quân người Kinh, quân người Thái, quân người Xá, quân Lự... Nghĩa quân đã bao vây Thành Tam Vạn (Thành Sam Mứn) và đánh mạnh vào khoảng cuối năm 1753 đầu năm 1754.

            Trận đánh diễn ra ác liệt, nghĩa quân đã dồn được chúng vào một địa điểm ở cánh đồng Mường Thanh gọi là Pú Vẳng nhưng đến đây giặc Phẻ đã dùng súng to châm mồi thuốc bằng đạn trì làm nghĩa quân không tiến lên được, về sau tướng Ngải và tướng Khanh phải bầy mưu lấy người Lự, người Lào trá hình thành lính của Phạ Chẩu Tin Toòng lọt vào thành rồi lập mưu từ trong đánh ra, nghĩa quần Hoàng Công Chất ở ngoài đánh vào, trước sức tấn công mạnh mẽ và bất ngờ của nghĩa quân, chúng đã trở tay không kịp nên đã giết được Phạ Chẩu Tin Tòng, quân Phẻ sống xót còn lại đã rút chạy sang Lào. Sau trận đánh lần này máu chảy thành vũng nên từ đó khu chiến đấu mang tên Pú Vẳng (nay là chân đồi Độc Lập; Pú là núi, Vẳng là vùng) từ đó Mường Thanh được giải phóng, Nhân dân các dân tộc thoát khỏi cảnh sống khổ cực do giặc Phẻ gây ra.

            Sau chiến thắng 1754, khi đánh tan giặc Phẻ, Hoàng Công Chất tạm đóng quân trong thành Tam Vạn với ý định củng cố lực lượng, xây dựng Mường Thanh thành căn cứ lâu dài để chống lại giặc ngoại xâm; đồng thời cũng để xây dựng Mường Thanh thành một trung tâm, một phủ rộng lớn ở miền Tây Bắc. Quá trình đóng quân trong thành Tam Vạn ông nhận thấy thành tuy rộng nhưng có nhiều sơ hở, cách bố trí phòng thủ lại sơ sài và để có căn cử hoạt động lâu dài. Năm 1758 Hoàng Công Chất quyết định xây dựng tòa thành khác có tên là thành Chiềng Lề (nay gọi là Thành Bản Phủ).

            Năm 1767, khí thế của nghĩa quân đang phát triển mạnh mẽ thì Hoàng Công Chất lâm bệnh mất. Sau khi Hoàng Công Chất mất, con trai Hoàng Công Toản lên thay, khoảng thời gian này các cuộc khởi nghĩa của nông dân ở vùng đồng bằng đang bị đè bẹp và chúa Trịnh có điều kiện tập hợp lực lượng chống lại cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Hoàng Công Chất. Trước tình hình như vậy, tháng 2 năm 1768 Trịnh Sâm sai Nguyễn Đình Huân làm thống lĩnh kéo quân lên Mường Thanh để đàn áp phong trào khởi nghĩa của Hoàng Công Chất. Lúc đầu khi quân Trịnh kéo lên, Nhân dân các dân tộc ở Tây Bắc đã thực hiện chính sách bất hợp tác với chúng như: thực hiện vườn không nhà chống, bỏ lên rừng, điều này đã làm cho Nguyễn Đình Huấn hoảng sợ tưởng rằng bị mai phục phải rút về. Trong số các tướng lĩnh đó có Đoàn Nguyên Thục đã tố giác với Trịnh Sâm về việc làm của Đình Huấn, chính vì thế mà Trịnh Sâm đã gọi Đình Huấn về và phái Đoàn Nguyên Thục cầm đầu tiếp tục lên lấn áp, quân Trịnh theo dọc Sông Mã tiến vào đánh Mường Thanh vì thế chỉ trong gần 1 tháng các cánh quân của họ Trịnh đã tụ tập được ở miền Tuần Giáo như: Mường É, Mường Quái, Mường Ảng.

            Sau nhiều lần tấn công, quân Trịnh đã tiến vào Mường Thanh, Hoàng Công Toản và các tướng sĩ bất ngờ không kịp, hơn nữa nội bộ của nghĩa quân sảy ra sự bất hòa nên cuộc khởi nghĩa nhanh chóng tan rã.

            Tuy Cuộc khởi nghĩa thất bại nhưng có thể nói Hoàng Công Chất đã chiến đấu, hy sinh vì tự do, ông được Nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc tín nhiệm yêu mến, suy tôn là người anh hùng. Cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo được Nhân dân các dân tộc Tây Bắc đồng tình ủng hộ, giành được những thăng lợi nhất định và trong gần 20 năm, cuộc sống của Nhân dân Tây Bắc, đặc biệt là đồng bào các dân tộc Mường Thanh - Điện Biên đã được sống ẩm no hạnh phúc.

            IV. SINH HOẠT VĂN HÓA TÍN NGƯỠNG LIÊN QUAN ĐẾN DI TÍCH

    TBP-2.jpg

            Lễ hội thành Bản Phủ trước đây diễn ra vào mùa hạ (Cụ thể là ngày 5/5 âm lịch hàng năm). Tương truyền đây là ngày nghĩa quân chiến thắng giặc Phẻ và là ngày vui đại thắng của các châu mường, đồng bào Thái nhân dịp đó cúng “Then Chất” cầu chúc sức khỏe cho mọi người, cầu mưa thuận, gió hòa để mùa màng tốt tươi, bội thu. Nhân dân các dân tộc nô nức kéo nhau về dự Lễ hội và xem diễn các tích trò nghĩa quân đánh giặc, giữ yên bản mường.

            Vài năm sau, để phù hợp với phong tục tập quán của địa phương, Lễ hội Thành Bản Phủ lại được tổ chức và diễn ra cùng thời điểm với các Lễ hội xên mường, xên bản khác của đồng bào Thái vào tháng hai âm lịch hàng năm. Lễ hội diễn ra trong năm ngày "Cắm mướng, ỉn phủ” (Kiêng mường, chơi phủ). Lễ hội bắt đầu từ đêm ngày 24/2 đến 28/2 âm lịch, ngày chính hội là ngày mất tức ngày giỗ của Hoàng Công Chất (25/2).

            Từ năm 1990 đến nay, Sở Văn hóa Thông tin Thể thao (Nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh chi đạo Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên phối hợp với các cơ quan ban ngành của tỉnh khôi phục và tổ chức Lễ hội với nhiều hoạt động phong phú, thời gian tổ chức trong hai ngày (24 -25/2 âm lịch hàng năm) nhằm tưởng nhớ người anh hùng áo vải Hoàng Công Chất, một lãnh tụ nông dân kiệt xuất giữa thế kỷ XVIII và tướng Ngải, tướng Khanh đã cùng Nhân dân các dân tộc Mường Thanh chiến đấu anh dũng đánh tan giặc Phẻ, bảo vệ bản Mường và núi rừng Tây Bắc.

            Lễ hội góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, lòng biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng dân tộc và phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, ý thức tự lực tự cường, sáng tạo trong lao động sản xuất, trong chiến đấu, đồng thời nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thông Điện Biên Phủ anh hùng.

            Lễ hội thành Bản Phủ được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định 1877/QĐ-BVHTTDL, ngày 08/6/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

            1. Phần Lễ:

            Tại Lễ hội phần lễ được diễn ra trang nghiêm, thành kính với những nghi thức linh thiêng được gìn giữ, truyền lại qua nhiều thế hệ.

            Mở đầu phần lễ, âm vang tiếng trống oai hùng, trang nghiêm nổi lên trong không khí tưng bừng của ngày hội.

            Sau nghi thức chào cờ là một phút mặc niệm, tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc;

            Chúc văn giỗ tướng quân gồm 3 phần: Nhạc đệm hùng tráng, anh linh; tiếp đến là nghi lễ rước, dâng lễ vật và màn tái hiện lịch sử bằng sân khấu hóa.

            Phần rước lễ vật: Chỉ huy đoàn rước lễ là người đứng tuổi, trang phục uy nghiêm, bước đi oai phong, thể hiện long biết ơn sâu sắc của đồng bào các dân tộc đối với người anh hùng áo vải Hoàng Công Chất và 2 vị tướng Ngải, tướng Khanh đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm. Đoàn rước lễ gồm đội múa lân, múa rồng, đội rước kiệu mặc trang phục lễ hội. Đoàn tế lính nghĩa quân mặc trang phục lính trận, tay cầm giáo mác chĩa lên trời. Các lực lượng tham gia cầm cờ, lực lượng quần chúng nghiêm trang.

    TBP-3.jpg

            Màn tái hiện lịch sử bằng sân khấu hoá gồm 3 phần: bối cảnh lịch sử, tướng quân lãnh đạo Nhân dân đánh giặc, Mường Thanh được giải phóng, làm nổi bật vai trò, tôn vinh người thủ lĩnh miền xuôi cứu dân miền ngược, tinh thần đoàn kết của đồng bào Tây Bắc, diễn tả hình ảnh đồng bào nô nức ủng hộ đánh giặc. Dàn trống, cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc, âm thanh rộn ràng, trầm hùng và linh thiêng; cầu cho quốc thái dân an.

            2. Phần hội:

           Bên cạnh văn hoá tín ngưỡng truyền thống, phần hội là sân chơi lành mạnh, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho đồng bào trên địa bàn với đa dạng các hoạt động văn hoá, văn nghệ; trưng bày triển lãm tranh, ảnh “các hiện vật của nghĩa quân Hoàng Công Chất”, thi trò chơi dân gian như: Kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, đi cà kheo, tung còn truyền thống, ẩm thực văn hoá dân tộc, liên hoan văn nghệ, vòng xoè đoàn kết là đặc trưng của dân tộc Thái trong lễ hội.

    TBP-4.jpg

            Lề hội thành Bản Phủ được tổ chức hàng năm không chỉ là hoạt động tín ngưỡng mà còn là sự kiện văn hóa, làm phong phú thêm đời sông văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Qua việc tổ chức lễ hội cũng là dịp tuyên truyền, giáo dục truyền thống yếu nước, niềm tự hào dân tộc trong mỗi người dân. Đồng thời khơi dậy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, giữa miền ngược với miền xuôi cùng chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

            V. QUẦN THỂ DI TÍCH

            Di tích Thành Bản Phủ được chia thành 2 khu vực riêng biệt là: thành Nội và thành Ngoại.

            1. Thành nội

            Thành nội là khu trung tâm của di tích thành Bản Phủ, nơi thủ lĩnh Hoàng Công Chất và các tướng lĩnh ở. Thành có cấu tạo hình chữ nhật, với diện tích 27.000m2 được đắp bằng đất, chiều dài 180m, chiều rộng 150m. Phía ngoài thành có hào sâu từ 3 đến 5m, bên ngoài chân thành trồng tre gai dày đặc để tạo thành lũy ngăn chặn sự tiến công từ bên ngoài. Đây được coi là nơi đầu não, chỗ dựa vững chắc của nghĩa quân để bảo vệ và phát triển thanh thế của mình, (nay là nơi dựng Đền thờ Hoàng Công Chất và 6 tướng lĩnh nổi tiếng của ông).

             2. Thành Ngoại

            Thành ngoại được đắp bằng đất, theo hình ngũ giác, bờ thành có chiều dài 3.300m; rộng 80m, mặt thành rộng 5m; chân thành rộng 10m, cao 5m. Đây là nơi lính đóng, khu quân lương, kho vũ khí, tàu ngựa, chuồng voi... Khu thành ngoại có đào 130 cái ao với các tên và hình dáng khác nhau: Vuông, tròn, tam giác, lục giác, bát giác để lấy nước ăn và luyện tập thủy quân. Có 4 cửa tiền - hậu - tả - hữu ở bốn phía, mỗi cửa có đắp đồn, vọng tiêu để lính canh gác, (nay còn 1 cổng chính dẫn vào thành được xây dựng dạng vòm đồ sộ, vững chãi). Xung quanh phía ngoài chân thành có hào sâu bao bọc, phía ngoài trồng tre gai dày đặc làm phên dậu che chắn cho toàn thành và ngăn cản bước tiến của đối phương. Với các loại dụng cụ, phương tiện thô sơ, thành Bản Phủ được đánh giá là một công trình phòng thủ kiên cố, với kỹ thuật công phu và có nhiều sáng tạo trong thời kỳ lịch sử lúc bấy giờ.

            VI. CÁC CÔNG TRÌNH TRONG QUẦN THỂ DI TÍCH

             1. Đền thờ Hoàng Công Chất

    TBP-5.jpg

            Sau khi Hoàng Công Chất cùng tướng Ngải, tướng Khanh qua đời, Nhân dân các dân tộc Điện Biên đã dựng Đền thờ Hoàng Công Chất. Giai đoạn ban đầu vào trước những năm 1980 Đền thờ Hoàng Công Chất được làm bằng tre, có 02 gian, mái lợp bằng cỏ tranh. Năm 1994 - 1995 Đền được tu sửa xây bằng gạch ba banh và gỗ, mái lợp ngói. Năm 2000 - 2003 trên khuôn viên của nền cũ Nhà nước đầu tư tôn tạo, xây dựng lại Đền thờ với diện tích 116m2 (5 gian). Đền được xây dựng theo kiểu đền thời Nguyễn, kết cấu theo kiểu "Trồng rường giá chiêng", các cột kèo được ghép nhiều lớp trồng lên nhau, với nhiều mảng trạm khắc như: Hình rồng phượng, mặt trăng, cỏ cây hoa lá. Phần chính diện của Đền thờ được làm bằng gỗ lim, các pho tượng cùng hoành phi câu đối, đại tự và các đồ nghi tượng, ban thờ đều làm bằng gỗ quý. Trong Đền có 3 bức hoành phi lớn: Hoàng công Linh Chúa, Linh thần bảo quốc, Thánh cung vạn tuế và 6 câu đối Hán - Nôm cũng được đặt ở những vị trí trang nghiêm trong Đền.

            Trước đền là sân gạch, xung quanh có tường rào và cây cảnh bao bọc, đặc biệt trước Đền có cây Đa cổ thụ niên đại hơn 200 năm với sự hợp tán của 3 thân cây Đa, Đề, Si cùng chung một gốc, cành lá tươi tốt tỏa bóng mát che kín khu đền và tượng trưng cho mối tình đoàn kết các dân tộc, tạo nên vẻ tĩnh lặng, linh thiêng cho ngôi Đền.

            2. Nhà bia

    TBP-6.jpg

    Được xây cạnh nhà thờ với chiều cao l,2m; rộng 0,8m, phần dưới kết cấu bê tông, phần mái lợp ngói, nền lát gạch liên doanh màu sẫm. Đây là nơi giới thiệu tóm tắt những chiến công và hoạt động của Hoàng Công Chất ở thế kỷ XVIII.

            3. Nhà sắm lễ, nhà bảo vệ

             Diện tích xây dựng 65m2 (3 gian), loại nhà cấp 4, khung bê tông cốt thép, tường bao che, trần bê tông cốt thép mái lợp tôn, nền lát gạch hoa.

            4. Nhà sàn Văn hóa Thái

    Nhà sàn được xây dựng với mục đích làm nơi sinh hoạt văn hóa chung và trưng bày các hiện vật. Diện tích xây dựng 263,3m2, loại nhà sàn cấp 3, khung bê tông cốt thép chịu lực, kèo bê tông cốt thép, mái dốc 70% đổ bê tông cốt thép, mái gắn ngói múi hài, trần nhựa đài loan, hành lang xung quanh rộng l,2m, nền lát gỗ N3.

            5. Cổng và tường thành:

            Cổng thành được tôn tạo khá bề thế, đồ sộ vững chãi mang nét kiến trúc cổ, phù hợp cảnh quan, bên trên cổng thành có kỳ đài và vọng thành để hóng gió và ngắm cảnh. Tường thành giả đắp đất tạo nguyên gốc, mỗi bên tường thành xây dài 50m, xây đá hộc 2 bên bó thành giả đắp đất, ở giữa tường thành đắp đất đầm kỹ, đế thành rộng 10m, mặt thành rộng 5m, cao 5m.

    Ngoài các công trình trên, trong thành còn có ao sen kè đá, hệ thống đường gạch và sân bãi rộng phục vụ cho những hoạt động văn hóa, lễ hội, vui chơi và thi đấu thể thao. 

            VII. CÁC GIÁ TRỊ CỦA DI TÍCH THÀNH BẢN PHỦ

            1. Giá trị về mặt lịch sử, văn hóa:

            Di tích thành Bản Phủ là một trong những chứng tích huy hoàng ghi dấu ấn lịch sử quan trọng trong công cuộc chống thù trong giặc ngoài bảo vệ vững chắc vùng biên cương tổ quốc của nghĩa quân Hoàng Công Chất và Nhân dân Tây Bắc ở nước ta vào thế ỷ XVIII.

            Di tích còn là một biểu tượng thể hiện sâu sắc tình đoàn kết giữa các dân tộc miền ngược với miền xuôi trong cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương.

            Bên cạnh đó di tích còn là một trường học cách mạng lớn, là nơi tuyên truyền giáo dục cho các thế hệ người Việt Nam về truyền thống anh hùng, sự hy sinh của đồng bào các dân tộc nơi đây về công cuộc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, từ đó giúp thế hệ con cháu hôm nay và mai sau biết nhận thức, nâng niu, trân trọng những giá trị của quá khứ mà cha ông ta để lại.

            2. Giá trị về mặt khoa học

           Thành Bản Phủ là một công trình kiến trúc quân sự độc đáo được đắp bằng đất với các công cụ lao động thô sơ, không có sự tác động của hóa chất hay những trang thiết bị hiện đại nhưng bằng sự tư duy sáng tạo, đoàn kết thống nhất Hoàng Công Chất đã lãnh đạo Nhân dân đắp được một tòa thành rộng 80 mẫu hết sức kiên cố, vững chắc làm nơi phòng thủ và bảo vệ Nhân dân trong vùng.

            3. Giá trị về mặt du lịch

           Ngoài giá trị về mặt lịch sử, văn hóa di tích thành Bản Phủ còn là tài sản văn hóa quốc gia, hiện nay thành đã và đang trở thành một địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tâm linh quan trọng của người dân Điện Biên và là tiềm năng du lịch có khả năng khai thác lâu dài đem lại hiệu qua kinh tế cao.

            Trong những năm qua, di tích đã đón hàng triệu lượt khách đến tham quan, nghiên cứu, tri ân, tướng nhớ công đức Hoàng Công Chất và những người có công với nước, đồng thời là một địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước khi đến thăm Điện Biên./.

  • Tác giả: Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên
  • Các tin bài khác:
  • Lễ hội cầu mưa dân tộc Thái tại bản Liếng, xã Noong Luống
    Độc đáo, tưng bừng Tết Té Nước (Bun Huột Nặm) của dân tộc Lào huyện Điện Biên năm 2024
    TẾT TÉ NƯỚC DÂN TỘC LÀO XÃ NÚA NGAM, HUYỆN ĐIỆN BIÊN NĂM 2024
    Khai mạc Lễ hội Thành Bản Phủ, năm 2024
    Khai mạc Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc huyện Điện Biên lần thứ X, năm 2024
    INTRODUCTION INFORMATION ABOUT THE HISTORICAL AND CULTURAL RELIC OF BAN PHU CITADEL (English)
    Du lịch huyện Điện Biên tiềm năng, định hướng phát triển
    Bảo tồn Lễ hội truyền thống “Lễ mừng cơm mới” của dân tộc Lào huyện Điện Biên
    Phục dựng, bảo tồn Lễ Xên bản của dân tộc Thái huyện Điện Biên
    1-10 of 30<  1  2  3  >
  • Bản đồ hành chính
  • Liên kết Website
  • Chọn liên kết:
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập: