• Độc đáo những nghi lễ truyền thống gắn với tập quán canh tác nương rẫy của đồng bào dân tộc Khơ Mú ở Điện Biên
  • Thời gian đăng: 01/08/2017 09:06:41 AM
  • Là một trong những dân tộc không có chữ viết riêng, nên nhiều bản sắc văn hóa của người dân tộc Khơ Mú ở Điện Biên đã dần mai một. Nhưng với tính tự tôn dân tộc trong việc giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, lại có một kho tàng nghệ thuật dân gian phong phú đã góp phần quan trọng làm nên dấu ấn văn hóa vô cùng độc đáo, rất riêng của người dân tộc Khơ Mú.

  • Cũng như nhiều dân tộc anh em khác, đồng bào dân tộc Khơ Mú ở Điện Biên quan niệm vạn vật hữu linh, thiên nhiên xung quanh chúng ta như trời, đất, nương, rẫy... đều có quan hệ mật thiết với đời sống và sản xuất của con người. Với tập quan canh tác chủ yếu là sản xuất nương rẫy, nên nhiều đời nay, đồng bào dân tộc Khơ Mú đã hình thành nên những nghi lễ dân gian truyền thống gắn với tập quán canh tác của dân tộc. Hàng năm, đồng bào Khơ Mú luôn duy trì và tổ chức nhiều lễ hội liên quan đến sản xuất nông nghiệp, trồng trọt như lễ hội: Ăn mừng cơm mới, cầu mưa, cầu mùa, kin lẩu nó, lễ tra hạt...

    Theo quan niệm của đồng bào Khơ Mú, Lễ Tra hạt nhằm cầu cúng các vị thần linh, thần rừng, thần sông, thần suối, những linh hồn không nơi nương tựa, những người chết bất đắc kỳ tử, chết không có mồ mả về hưởng lễ và che chở, phù hộ cho dân bản mạnh khỏe, cho lúa xanh tốt, cho thóc đầy bồ, mùa màng bội thu, dân bản no ấm, xua đuổi tà ma ám hại cây lúa, bệnh tật, mối mọt hại cây trồng nương rẫy, bám vào hạt giống làm hạt giống không nảy mầm...

    Việc gieo trồng ở đây mang tính cộng đồng cao, mọi người đi giúp nhau, đổi công cho nhau. Việc được hay mất mùa cũng tùy thuộc vào hướng gieo trồng của mỗi một dòng họ, đồng bào quan niệm mỗi dòng họ có một hướng gieo trồng khác nhau, không họ nào được phép đi theo hướng gieo trồng của dòng họ khác. Ngày nay, phương thức canh tác theo hình thức chọc lỗ tra hạt không còn phổ biến, nhưng điệu múa tra hạt thì vẫn tồn tại trong đời sống văn hóa văn nghệ của đồng bào người Khơ Mú với chiếc gậy độc đáo, gắn với nhạc cụ vang lên âm thanh tưng bừng rộn rã, như sự giao hòa âm dương, thức dậy những khát vọng về một cuộc sống ấm no hạnh phúc…

    Lễ hội cầu mưa là nghi lễ nông nghiệp truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc Khơ Mú Điện Biên. Mỗi vụ mùa, sau khi gieo hạt xong, bà con thường tổ chức lễ hội cầu khấn cho mưa thuận gió hòa, cây trồng tốt tươi, vụ mùa bội thu. Qua đó, phản ánh ước muốn của đồng bào về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Sau khi tế lễ xong, phần hội diễn ra trong niềm vui phấn khởi, ước vọng về một vụ mùa mới đầy khởi sắc và những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

    Mừng cơm mới, là một trong những nghi lễ quan trọng trong tập quán sản xuất và đời sống văn hoá của đồng bào. Vào khoảng đầu tháng chín âm lịch hàng năm là thời điểm người Khơ Mú tiến hành làm Lễ mừng cơm mới. Lễ vật cúng tổ tiên trong Lễ mừng cơm mới, ngoài xôi làm từ lúa mới thì chẩm chéo và cá là những thứ không thể thiếu trong mâm cúng trên bàn thờ tổ tiên của mọi gia đình.

    “Ta leo” là vật biểu tượng cho mọi sự cấm kỵ, khi trên đường dẫn vào bất kỳ mảnh nương nào mà có cắm cây “Ta leo” thì mọi người phải hiểu rằng đây là khu vực cấm xâm nhập.

    Người Khơ Mú quan niệm rằng ngày thứ 11 tính từ ngày làm Mẹ lúa là chu kỳ trở lại ngày tốt. Lễ cúng hồn lúa của người Khơ Mú mang những giá trị tín ngưỡng cầu cho mùa màng được bội thu, đặc biệt tín ngưỡng ấy đã tôn vinh vai trò của người Mẹ lúa có thể làm cây lúa sinh sôi nảy nở và cho một mùa vụ tốt tươi. Đây là tập tục truyền thống liên quan tới kỹ thuật làm nương của người Khơ Mú luôn được gìn giữ và phát huy.

    Có thể nói, những nghi lễ gắn với tập quán sản xuất nương rẫy đã phản ánh đậm nét về đời sống tâm linh tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Khơ Mú. Tuy không có chữ viết riêng và nhiều bản sắc văn hóa của dân tộc đã dần mai một. Nhưng do bà con có tập quán sản xuất trên nương rẫy là chính nên đến nay đồng bào dân tộc Khơ Mú ở Điện Biên vẫn luôn duy trì những nghi lễ cầu cúng cầu mong các thần linh che chở, phù hộ cho dân bản mạnh khỏe, sản xuất mùa màng bội thu, bà con dân bản có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Và những nghi lễ này đã góp phần quan trọng làm cho kho tàng nghệ thuật dân gian các dân tộc Việt Nam thêm phong phú, tạo nên dấu ấn văn hóa vô cùng độc đáo, riêng có của người Khơ Mú Điện Biên./.

  • Tác giả: Lưu Hồng Sinh - Đài TT-TH huyện Điện Biên
  • Các tin bài khác:
  • XÃ THANH AN TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 73 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ (27/7/1947- 27/7/2020)
    LỄ CÔNG BỐ XÃ SAM MỨN ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI NĂM 2019
    XÃ THANH AN CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID 19
    KẾT QUẢ KỲ HỌP THỨ 9, QUỐC HỘI KHÓA VIV
    Bàn về khái niệm “Dư luận xã hội”
    Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên
    Tuyên tuyền tháng cao điểm Phòng chống dịch Covid 19 trong tình hình mới trên địa bàn huyện Điện Biên
    Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới
    Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945
    Những cảm nhận về lịch sử vẻ vang của ngành Văn hóa – Thông tin. (Kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành Văn hóa – Thông tin (28/8/1945 – 28/8/2020)
    651-660 of 2081<  ...  61  62  63  64  65  66  67  68  69  70  ...  >
  • Bản đồ hành chính
  • Liên kết Website
  • Chọn liên kết:
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập: