Hương sắc Điện Biên.
“Bắt rừng núi sinh cơm gạo”
Lòng tôi rộn lên mỗi lần trở lại Điện Biên. Mỗi tên bản, tên làng, di tích lịch sử đều gợi lại một thời kiên trung và anh dũng. Đi theo quốc lộ 6 từ Sơn La, qua đỉnh đèo Pha Đin là đến địa phận xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo của tỉnh Điện Biên. Bốn phía rừng núi hùng vĩ nhưng gợi lại cảm giác thật lạ. Một cụm xóm bản, nơi người dân đón chân khách với nụ cười luôn nở trên môi.
Đời sống của bà con những năm qua đã trở nên sung túc, no ấm nhờ học được cách làm ăn mới. Có vị khách từ miền xuôi thốt lên ngỡ ngàng, bởi chẳng đâu xa, chỉ cách đây hơn chục năm, thăm lại đèo Pha Đin thấy đời sống bà con còn quá lạc hậu. Nay, mảnh đất từng là cái túi của bom đạn hơn 60 năm trước đang dậy sắc hoa và hương lúa. Già làng Giàng Thào Già, người dân tộc Mông, cho biết: “Bà con biết trồng sa nhân, đào Pháp và táo mèo, cộng với chăn nuôi và bán hàng dưới chân đèo Pha Đin, nên cái bụng ấm lắm!”.
Với hơn 80 tuổi đời, cụ Già hiểu rõ lịch sử của cung đèo Pha Đin - tứ đại đèo Tây Bắc từng vô cùng hiểm trở, nhiều dốc cao, vực sâu nhưng lại là huyết mạch giao thông, vận chuyển khí tài, lương thực, phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nay đèo vẫn là tuyến giao thông chính lên Điện Biên, được mở rộng, thuận tiện cho tiêu thụ nông sản của bà con.
Chung niềm vui với cụ Già, Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình Mùa A Dề cho biết: “Từ năm 2000 trở về trước đời sống bà con còn nghèo lắm. Nay là điểm sáng về phát triển kinh tế, xã hội của Tuần Giáo. Điều ấy có được là nỗ lực của bà con, bàn tay chịu khó, ham làm, bắt rừng núi đẻ ra cơm, ra gạo. Khách đến Điện Biên thường dừng lại bản Tỏa Tình để ngắm cảnh, tìm hiểu đời sống bà con, nhiều khi còn ở lại sống với bà con theo lối du lịch homestay và rất ấn tượng với mảnh đất này”.
Cánh đồng lúa xanh ngát huyện Điện Biên.
Cách xã Tỏa Tình không xa, là xã Chiềng Đông (Tuần Giáo) hiện lên đẹp như một bức tranh thủy mạc.Vùng đất này hơn 60 năm về trước đã trở thành “chiếc nôi” nuôi dưỡng cho thành công của chiến dịch Trần Đình (mật danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ) vang dội năm châu, chấn động địa cầu, khiến cả thế giới phải nghiêng mình kính phục trước tinh thần anh dũng của dân tộc Việt Nam.
Hơn nửa thế kỷ qua đi, trải qua biết bao sóng gió thăng trầm, giờ đây mảnh đất anh hùng đã thay da đổi thịt, đổi mới vươn lên trong cuộc sống hòa bình. Những con người kiên trung trên mảnh đất cách mạng oai hùng năm nào cũng đang tiếp tục phấn đấu xây dựng quê hương phát triển vững mạnh và ngày càng giàu đẹp hơn.
Xuôi theo Quốc lộ 279 đi về hướng thành phố Điện Biên Phủ, đường thênh thang rộng, những cánh hoa rừng nở ấm đượm bên hiên nhà sàn ở các xã Ằng Tở, Ẳng Nưa, Nà Tấu… Một cung đường rộng mở dẫn những người yêu Điện Biên trở về Mường Phăng - địa danh gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.
Bản Che Căn, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên.
Nói đến Mường Phăng (huyện Điện Biên) là không chỉ nói đến “thủ phủ” hoa ban, mà còn nức lòng với loại gạo vừa trắng vừa thơm, làm nên thương hiệu gạo Điện Biên nổi tiếng. Hơn thế mảnh đất này còn có nhiều tấm gương đã khắc phục khó khăn, vươn lên làm giàu cho gia đình, xóm bản, tiêu biểu như anh Quàng Văn Toản ở bản Tân Bình. Từ một hộ gia đình nhiều năm thiếu ăn, nhờ “thức thời” và vay được vốn ngân hàng, đã phát triển trồng cây đào Pháp, cộng thêm chăn nuôi và chăm sóc nương lúa.
Vườn cây cho thu hoạch tốt, đàn gia súc cũng được nhân rộng. Chỉ sau sáu năm, vợ chồng anh đã xây dựng được ngôi nhà sàn to nhất bản. Anh Toản cho biết: “Tôi chịu trách nhiệm chính về chăn nuôi và trồng cây, vợ tôi đảm nhận mẫu lúa, còn con cái phải tập trung việc học”.
Hay như tấm gương gia đình anh Lò Văn Tỉnh (bản Khá). Từ một hộ gia đình nghèo, khi có sự vận động của cán bộ khuyến nông về trồng cây đào Pháp, nghe giảng về kỹ thuật anh thấy khó tiếp thu, và không tin vào giống cây ấy có thể phát triển tốt. Năm 2004 bắt tay vào trồng, anh bảo vợ: “Không thể làm chơi được, như cây đào của mình, cứ trồng rồi khắc mọc, khắc lớn. Cây này phải chăm sóc. Phải làm thật”.
Dù đã cố gắng tiếp thu kỹ thuật, nhưng do vào mùa hè ở Điên Biên có gió Lào, việc chăm sóc khó khăn hơn tưởng tượng. Vợ chồng anh thường phải gánh nước từ suối lên chăm sóc cây mỗi ngày hai lần. Thế rồi, cây đào phát triển tốt. Sau hai năm đổ mồ hôi vào đất, năm 2006, thu hoạch lứa quả bói đầu tiên đã được sáu tạ, ngọt lịm. Vợ chồng anh vui sướng lắm. Những năm sau, năng suất tăng dần, gia đình ra khỏi diện hộ nghèo của xã.
Gia đình cụ Lù Thị Đôi ở Mường Phăng.
Mau chóng phát triển cho xứng tầm
Mường Phăng được ví như Mường Thanh thu nhỏ. Điều đó thật đúng, bởi nơi đây vừa có những cánh đồng rộng, vừa có hệ thống đồi thấp như bát úp và núi cao. Hơn thế, hồ Pá Khoang cùng với hệ thống di tích lịch sử là những thế mạnh giúp cho Mường Phăng có điều kiện phát triển du lịch về nguồn và nghỉ dưỡng. Nhưng thật sự, theo không ít cựu chiến binh trở lại nơi này cho rằng Mường Phăng phát triển chưa xứng với điều kiện của một mảnh đất giàu truyền thống và văn hóa.
Đó cũng là điều trăn trở của Bí thư đảng ủy xã Trần Văn Hải. Ông cho rằng, Mường Phăng hào hùng trong quá khứ, song ở thời hiện đại cần tạo sức bật nội lực, phát triển hơn nữa. Các công trình phúc lợi đã ổn, phong trào học tập khá tốt, địa bàn có tới bốn trường đạt chuẩn quốc gia. Nhưng kinh tế, du lịch thì còn phải cố gắng hơn. Cụ thể là các công trình phục vụ du lịch nghỉ dưỡng vẫn chưa phát triển, mô hình kinh tế còn manh mún. Ông nhấn mạnh: “Ký ức về những ngày tháng khoét núi ngủ hầm vẫn còn. Nhưng người dân cần phát huy được truyền thống vẻ vang ấy của thế hệ trước, để chung tay vì cuộc sống ấm no hôm nay và tương lai”.
Chung tâm sự ấy, ông Lò Văn Biên, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Mường Phăng, tâm sự: “So với trước đây, Mường Phăng đã phát triển nhiều lắm, đời sống nhân dân được nâng lên. Chúng tôi tự hào là con cháu của các cụ, chỉ đi bộ, ăn củ sắn củ khoai mà vẫn đi kháng chiến. 62 năm rồi kể từ khi dành thắng lợi trong chiến dịch, đường sá vào Mường Phăng đã thuận lợi hơn rất nhiều. Đây là điều kiện để bắt tay vào xây dựng quê hương thêm phát triển”.
Cầu vào bản.
Cùng góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ còn có nhiều vùng quê giàu truyền thống yêu nước như xã Pu Nhi (Điện Biên Đông), xã Noong Hẹt, Pa Thơm, Mường Pồn (huyện Điện Biên). Pu Nhi nổi tiếng với phong trào vùng lên chống lại sự áp bức của các chúa đất. Sau đó là phong trào kháng Pháp của nghĩa quân Giàng Tả Chay, đã góp phần nhân rộng khí thế cho cả một vùng rộng lớn, nêu cao tinh thần chiến đấu để sau này cùng làm nên chiến dịch Điện Biên Phủ.
Từng hốc đá, con thác, cánh rừng… Pu Nhi đang giữ trong mình những dấu tích lịch sử, để từ đó trở thành tiềm năng phát triển du lịch mà chính quyền địa phương các cấp đang tích cực khai thác. Song dường như đó vẫn chỉ là những cái cựa mình, mà sự phát triển thực chất chưa nhiều.
Đặc biệt tại các thôn bản, tệ nạn ma túy còn có diễn biến phức tạp, tình trạng nghiện hút khiến đời sống bà con ở nhiều xã gặp khó khăn. Đó là chưa kể đến trong tâm thế người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, một số hộ nghèo không chịu vươn lên, ảnh hưởng đến sự phát triển chung. Ông Trần Quang Vinh, Bí thư Đảng ủy xã Pa Thơm, tâm sự, vùng quê đã đẹp rồi thì người dân phải được ăn ngon, mặc đẹp, kinh tế phát triển bền vững. Động lực để phát triển kinh tế địa phương nói chung, các vùng quê cách mạng nói riêng cần một tư duy mới, với sự đồng lòng, cộng tác của bà con các dân tộc.
Trong kháng chiến, nhân dân kiên cường, thì mong điều đó tiếp tục được phát huy trong phát triển kinh tế hiện nay. Còn Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Nguyễn Hữu Khởi phát biểu: “Điện Biên có nhiều thế mạnh, chúng tôi mong địa phương không chỉ gìn giữ được truyền thống, nổi tiếng với Lễ hội Hoa ban, mà phát triển tốt cả du lịch, kinh tế từ những thế mạnh và tiềm năng đã có”.
Hiện nay, bằng nhiều nguồn như vốn như Chương trình 135 giai đoạn II, vốn viện trợ của Chính phủ Đan Mạch… huyện Điện Biên đã thực hiện chuyển giao 117 mô hình sản xuất nông nghiệp với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng.
Với mục đích tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện gia đình, sát với đặc điểm thực tế phát triển sản xuất chăn nuôi của người dân, huyện đã thực hiện chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật chủ yếu gắn với những mô hình trồng trọt, chăn nuôi gia cầm và nuôi trồng thủy sản.
Điều trăn trở của các lãnh đạo địa phương đang biến thành hành động, là những mục tiêu phát triển mọi mặt, cả đời sống, kinh tế, văn hóa, giáo dục… đang được UBND các huyện, xã nỗ lực thực hiện. Để Điện Biên không chỉ được biết đến là mảnh đất hào hùng trong quá khứ, mà là một địa phương mạnh về du lịch, kinh tế đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang đến năm 2020 tầm nhìn 2030.
Đó là điều kiện để thu hút các nguồn lực đầu tư vào Điện Biên nói chung, các xã trong khu vực nói riêng, đưa các bản làng, khu di tích của tỉnh trở thành những điểm đến hấp dẫn.