CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐIỆN BIÊN
  • Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân
  • Thời gian đăng: 26/09/2019 09:19:20 PM
  • Thực tế lịch sử cách mạng 89 năm qua đã chứng minh vai trò lãnh đạo của Đảng cực kì quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Cương lĩnh của Đảng ta đã nhấn mạnh: Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng thì bản thân Đảng cần tự đổi mới, tự chỉnh đốn, tự làm trong sạch toàn diện về mọi mặt để không ngừng nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng.

    TT-HCM-Huyen.jpg

    Từ sau Đại hội Đảng khóa XII, BCHTW Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều Chỉ thị, nhiều Nghị quyết quan trọng. Trong đó đặc biệt quan trọng là Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của BCHTW Đảng. Nghị quyết TW4 khóa XII nhấn mạnh: Tình trạng tham nhũng lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, tình trạng suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên chưa bị đẩy lùi. Do vậy việc: “Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là nhằm đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, đặc biệt là những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ góp phần xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh về tư tưởng chính trị và đạo đức. Cho nên học tập và làm theo Bác một cách sâu xa và rộng lớn là điều rất cần thiết để thực hiện cho được quyết tâm của Đảng ta, dân ta. Ta phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh ngang tầm với nhiệm vụ, xứng đáng với Đảng lãnh đạo và cầm quyền, xứng đáng với niềm tin cậy của nhân dân giành cho Đảng cộng sản Việt Nam.

    Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân là một nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tạo động lực to lớn cho công cuộc đổi mới; đồng thời là giải pháp quan trọng, cấp bách trong xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị giai đoạn hiện nay.

    1- Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn trọng nhân dân

    Xuất phát từ những bài học lớn được rút ra từ chiều sâu của lịch sử như Nguyễn Trãi đã viết: Lật thuyền mới rõ dân như nước. Đồng thời là sự vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết Mác-Lênin khi các nhà kinh điển khẳng định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, nhân dân đóng vai trò quyết định trong sự nghiệp cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, cách mạng và kháng chiến thành công, đem lại giá trị lớn nhất là chế độ dân chủ cộng hòa cho dân tộc Việt Nam. Từ đây, phạm trù “ý thức tôn trọng nhân dân” mới thật sự có ý nghĩa khoa học, cách mạng và nhân văn. Theo Hồ Chí Minh, người cách mạng “yêu nước” là phải “thương dân”, “trung với nước” là phải “hiếu với dân”.

    Đảng ta xác định: Tôn trọng Nhân dân trước hết phải có thái độ đánh giá cao vai trò, vị trí của nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, “vô luận việc gì đều do người làm ra, từ nhỏ đến to, từ gần đến xa đều thế cả”. Người chỉ ra rằng: “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ”. Theo Người, “nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng…Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.                                                                                       

    Bàn về chữ “Nhân”, Hồ Chí Minh cho rằng “Nhân” - nghĩa là nhân dân. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Bàn về chữ “Thiện”, Người cho rằng “Thiện – nghĩa là tốt đẹp. Trong xã hội không gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”. Muốn thật sự tôn trọng nhân dân thì phải hiểu dân. Chính tài dân, sức dân, của dân, quyền dân, lòng dân, sự khôn khéo, hăng hái, anh hùng đã tạo nên “cái gốc” của dân. Kế thừa quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh khẳng định “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân” Mặt khác phải thấy rằng dân chúng tai mắt họ nhiều, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy. “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên” . Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong” .

    Cùng với thái độ đánh giá cao vai trò của Nhân dân, ý thức tôn trọng Nhân dân còn phải đặc biệt chú ý không xâm phạm đến lợi ích, quyền lợi hợp pháp, không xúc phạm nhân dân. Phải luôn luôn tôn trọng và giữ gìn của công, của nhân dân. Hồ Chí Minh chỉ rõ tôn trọng nhân dân có nhiều cách, “không phải ở chỗ chào hỏi kính thưa có lễ phép mà đủ. Không được phung phí nhân lực vật lực của dân, Khi huy động nên vừa phải, không nên nhiều quá lãng phí vô ích. Phải khôn khéo tránh điều gì có hại cho đời sống nhân dân. Biết giúp đỡ nhân dân cũng là biết tôn trọng dân”.

    TT-HCM-Huyen-2.jpg

    Người đánh giá rất cao vai trò, sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. nhân dân là lực lượng vô tận của cách mạng và là nhân tố tạo nên sự thắng lợi của cách mạng. Người cũng đã khẳng định: “Có dân là có tất cả”, tin ở dân, dựa vào dân, tập hợp và phát huy sức mạnh của toàn dân là nguyên tắc cơ bản trong chiến lược cách mạng của Người. Nguyên tắc cơ bản này bắt nguồn tự giá trị trong truyền thống dân tộc: “Chở thuyền là dân, làm lật thuyền cũng là dân”. Để minh chứng cho điều này chúng ta cùng nhau lật lại trang lịch sử 1945 với việc Diệt giặc đói của Bác: Nạn đói năm 1945 đã từng được ví là “sự hủy diệt khủng khiếp” trong lịch sử vốn đã quá nhiều đau thương, mất mát của dân tộc Việt Nam. 74 năm đã trôi qua, nhưng những nỗi đau để lại từ “sự hủy diệt khủng khiếp” ấy dường như vẫn còn đó, khôn nguôi: nạn đói nửa năm ở Bắc bộ ta đã giết chết hơn 2 triệu người…có những gia đình, có những dòng họ, có những làng bản ra đi không còn một ai. Tỉ lệ ấy chiếm khoảng 1/10 dân số nước ta lúc đó. Đứng trước thử thách “ngàn cân treo sợi tóc” ấy Người đã kêu gọi thực hiện “Hũ gạo cứu đói”, “Tăng gia sản xuất”, “Nhường cơm sẻ áo” không nói suông mà bằng hành động cụ thể Người đã thực hiện cứ 10 ngày Người nhịn đói một bữa rất nghiêm túc. Người cùng nhân dân cầm cuốc xới bãi đất hoang, mượn những vườn trống của dân trồng rau màu cứu đói. Kết quả của lời kêu gọi đó là: Chỉ trong 5 tháng đã đạt 614.000 tấn lương thực rau màu, qui ra thóc là 506.000 tấn, hoàn toàn có thể bù đắp được số thiếu hụt của vụ mùa năm 1945. Bằng chứng rõ nhất là dân không còn đói, giá thóc gạo không tăng mà lại giảm. Giặc đói đã bị đánh lui. Quay trở về với ngân khố Nhà nước ta lúc đó: Sau khi giành được chính quyền, kiểm tra ngân khố Trung ương chỉ còn 1.250.000 đồng Đông Dương nhưng tiếc thay trong đó lại có 580.000 đồng tiền hào đã rách nát và chờ tiêu hủy…vậy chỉ còn 670.000đồng. Khó khăn chồng chất khó khăn! Lại phải tính sao đây? Nhưng chỉ một ngày sau đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại quảng trường Ba Đình lịch sử, thì ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ. Từ nhu cầu cấp bách về tài chính của Nhà nước, Chính phủ chủ trương thành lập quỹ Độc Lập, bước đầu là tổ chức "Tuần lễ vàng" được tiến hành trong cả nước và được khai mạc vào ngày 17-9-1945.

    Trong thư gửi đồng bào toàn quốc trong ngày lịch sử này, Hồ Chủ Tịch nói đại ý như sau: Chúng ta cần củng cố nền độc lập để chống lại dã tâm xâm lược của đế quốc Pháp, để làm được việc đó, chúng ta cần sức phấn đấu của “toàn quốc đồng bào", cần sức quyên giúp của nhân dân, nhất là những nhà giàu có. “Tuần lễ vàng” sẽ tỏ cho toàn quốc đồng bào và cho toàn thế giới biết: Trong khi các chiến sĩ quyết hy sinh giọt máu cuối cùng để giữ vững nền tự do độc lập của nước nhà, thì đồng bào ở hậu phương nhất là những nhà giàu có, cũng có thể hy sinh được chút VÀNG để phụng sự Tổ quốc.

    Trước lời kêu gọi đó trái tim của nhân dân đã hòa vào nhịp đập trái tim của Chủ tịch Hồ Chí Minh và rồi kết quả Tuần lễ vàng thật là to lớn, thật là một "kỳ tích" trong những ngày đầu của nước Việt Nam độc lập. Chỉ trong vòng 7 ngày, đồng bào cả nước chủ yếu là các gia đình giàu có đã quyên góp được 20 triệu tiền Đông Dương và 370kg vàng, bằng 10 lần số tiền ta thu được trong nhà băng Đông Dương khi giành lại chính quyền ở thủ đô Hà Nội. Đúng là một kỳ tích - Người đã khẳng định:  “ Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

    Trên cơ sở nhận thức “nước lấy dân làm gốc”, ý thức tôn trọng Nhân dân phải luôn gắn chặt những “điều không nên” và những “điều nên” làm. Ngày 5/4/1948, Hồ Chí Minh đã chỉ ra 6 điều không nên làm và 6 điều nên làm. Trong 6 điều không nên làm có những điều liên quan đến cuộc sống hàng ngày của nhân dân nói chung, đồng bào miền ngược nói riêng như tín ngưỡng phong tục, đáng chú ý là “không bao giờ sai lời hứa”, “không nên làm hoặc nói điều gì có thể làm cho dân hiểu lầm rằng mình xem khinh họ”. Những điều nên làm cũng liên quan đến công việc thực tế hàng ngày, đặc biệt là “làm cho dân nhận thấy mình là người đứng đắn, chăm công việc, trọng kỷ luật”. Hồ Chí Minh kết thúc 12 điều đó bằng bài thơ cổ động khẳng định đã là người yêu nước thì “nhất quyết không quên” nước lấy dân làm gốc. Bài thơđã đọng lại với 2 câu

    “Gốc có vững cây mới bền,

    Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.

    Thật vô cùng ý nghĩa và là một bài học vô cùng quí giá!

    2- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ

    Là một khía cạnh biểu hiện ý thức tôn trọng nhân dân. Trong chế độ dân chủ cộng hòa, dân là chủ, thì Chính phủ, Đảng, cán bộ từ trung ương đến địa phương đều phải phụng sự nhân dân, là công bộc của dân “sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân”.

    Từ chỗ đánh giá cao vai trò của dân, Hồ Chí Minh nhấn mạnh trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, làm sao cho họ có năng lực làm chủ, biết hưởng, dùng quyền dân chủ, dám nói, dám làm. Dân chủ được Người giải thích ngắn gọn, súc tích là dân làm chủ và dân là chủ. Hồ Chí Minh kiên trì xây dựng một nhà nước thật sự dân chủ - nhà nước của dân, do dân, vì dân.  

    Mối quan tâm hàng đầu của Người là làm cho mọi người dân hiểu nhà nước mới, chế độ mới khác nhà nước cũ, chế độ cũ ở điều quan trọng nhất là giá trị dân chủ. Dân chủ tức là nhân dân có quyền lợi làm chủ và phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân. Nước dân chủ, chế độ dân chủ thì  bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, công việc đổi mới là trách nhiệm của dân, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Trong nước dân chủ thì địa vị cao nhất là dân, dân là quý nhất, lực lượng nhân dân là mạnh nhất.

    Phát huy dân chủ là phát huy tài dân. Bởi vì, “dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra” . Muốn vậy, thì phải chịu khó nghe dân, gặp dân, hiểu dân, học dân, hỏi dân. Học hỏi dân để lãnh đạo dân. Theo Hồ Chí Minh “Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân” . Khi người dân chưa hiểu dân chủ là gì thì không thể thực hành dân chủ thật sự. Vì vậy phát huy dân chủ là phải tìm mọi cách bàn bạc, giải thích cho dân hiều rõ. “Được dân chúng đồng ý. Do dân chúng vui lòng ra sức làm”. Phát huy dân chủ là tìm đủ cách giải thích cho dân hiểu, ngay cả những việc trực tiếp có lợi cho dân, như đắp đê, hộ đê, tăng gia sản xuất, bình dân học vụ. Giống như đem một cái bánh ngọt ngon lành bắt người ta ăn, nhét vào miệng người ta, thì ai cũng chán. Nếu làm theo cách hạ lệnh, cưỡng bức, thì dân không hiểu, dân oán. “Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị, là thất bại”. Trên cơ sở tin vào dân chúng, phát huy dân chủ là “nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta” .

    3- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân

    Tư tưởng Hồ Chí Minh trước hết là vì dân và do dân. Năm 1946 khi được bầu là Chủ Tịch nước Bác đã trả lời các nhà báo nước ngoài về mục đích sống mà suốt đời Bác theo đuổi là: Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” Từ lúc còn là người thiếu niên mười lăm tuổi, Hồ Chí Minh đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào. Người quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Cách mạng Tháng Tám thành công, một ngày sau Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách, đó là giải quyết những vấn đề về đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Người nhấn mạnh “muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Nói chuyện với đồng bào trước khi sang thăm Pháp ngày 30/5/1946 Hồ Chí Minh khẳng định: Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi ẩn nấp nơi núi non hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha nơi hiểm nghèo là vì mục đích đó.

    Sau khi đã giành được độc lập rồi thì vấn đề kiến quốc là hết sức quan trọng. Với nhận thức đó, cùng với chỉ đạo kháng chiến, Hồ Chí Minh tập trung vào  nhiệm vụ kiến quốc. Kháng chiến và kiến quốc gắn bó chặt chẽ với nhau. Muốn kháng chiến thành công thì phải có sức dân, lòng dân. Muốn có sức dân, lòng dân thì phải chăm lo đời sống của dân. Năm 1946 Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Chúng ta phải thực hiện ngay: 1. Làm cho dân có ăn; 2. Làm cho dân có mặc; 3. Làm cho dân có chỗ ở; 4. Làm cho dân có học hành. Cái mục đích mà chúng ta đi đến là bốn điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”.

    Thắng lợi của cách mạng Việt Nam được tạo nên bởi một tư tưởng lớn, được thể hiện qua nhiều luận điểm, mệnh đề trong di sản Hồ Chí Minh như: “Nước lấy dân làm gốc”; “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; Với thanh niên Bác khuyên: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ vô cùng gay go và ác liệt, Người kêu gọi: “Không có gì quí hơn độc lập và tự do”…“Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết giành cho được độc lập”. Đáp lời kêu gọi đó toàn quân, toàn dân đất Việt đồng tâm hành động: “Tiền tuyến gọi, hậu phương trả lời. Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” và để rồi vang lên bài ca: “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”.  Với quan điểm: “Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên hết”, Bác sẵn sàng chấp nhận những hy sinh cao nhất. Trong bức thư của Bác gửi dòng họ Nguyễn Sinh, khi nghe tin anh mất, Bác viết: Nghe tin anh cả mất lòng tôi rất buồn rầu, vì việc nước nặng nhiều, đường xá xa cách, lúc anh yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Than ôi! Tôi xin chịu tội bất đệ trước linh hồn anh! Xin bà con hãy nguyên lượng cho người con đã hy sinh tình nhà vì lo việc nước. Thấu hiểu tất cả nhưng vì việc nước Người dằn lòng lại đã nâng giá trị của chữ HIẾU lên một tầm cao mới đó là: Hiếu với dân, hiếu với nước.

    Trước lúc đi xa, Hồ Chí Minh vẫn quan tâm “đầu tiên là công việc đối với con người”. Người dặn trong Di chúc “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

    Từ thực tế đấu tranh phong phú và sinh động giữa vô vàn những học thuyết, những quan điểm và những tư tưởng khác nhau Hồ Chí Minh đã nhìn nhận, phân tích, đánh giá, tổng hợp và rồi hình thành nên tư tưởng vĩ đại của con người vĩ đại. Con người ấy đã tỏa sáng một nhân cách lớn lao, một sự khôn ngoan khéo léo cùng với những suy nghĩ lớn lao đã cứu thoát dân tộc Việt Nam ra khỏi ách thực dân xâm lược. Đó là sự yêu thương con dân hết mình, kéo con dân Đại Việt ra khỏi ách lầm than cơ cực, là lòng nhân từ đối với kẻ thù mà không hề khoan nhượng. Là tư tưởng cách mạng luôn luôn sục sôi, cả đời Người đấu tranh không ngừng nghỉ cho chân lý của cách mạng, cho tư tưởng vĩ đại của xã hội chủ nghĩa, sự công dung đối với những người mắc sai lầm… Cả cuộc đời Người đã dồn hết trí tuệ và sức lực để mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Cho đến lúc ra đi, Người đã để lại di chúc cho toàn Đảng, toàn dân và bạn bè năm châu, có đoạn viết: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ Quốc, phục vụ nhân dân. Nay, dù phải từ biệt thế giới này  tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là không được phục vụ lâu hơn nữa và nhiều hơn nữa”. Tất cả những điều ấy đã tạo nên một Bác Hồ không thể thay thế được đối với mỗi người dân Việt Nam, là tấm gương sáng, là vị cha già dân tộc, Người sống mãi trong lòng người dân và non nước Việt Nam./.

  • Tác giả: Khánh Huyền - Ban Tuyên giáo Huyện ủy
  • Các tin bài khác:
  • Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đăng tin bài về cải cách hành chính trên trang thông tin điện tử
  • UBND huyện Điện Biên tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 8/2021
  • Phòng GD&ĐT huyện Điện Biên nỗ lực nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục, đào tạo theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn những yêu cầu của thực tiễn
  • Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra công tác chuẩn bị các điều kiện khai giảng năm học 2021- 2022 tại huyện Điện Biên.
  • Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Điện Biên tổ thực hiện giải ngân cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ
  • Huyện Điện Biên viếng nghĩa trang liệt sĩ nhân dịp Quốc khánh 2-9
  • Trường Tiểu học xã Thanh Chăn huyện Điện Biên tổ chức lễ khai giảng năm học 2021-2022.
  • Huyện Điện Biên kiểm tra cơ sở vật chất một số điểm cách ly y tế
  • Trường THPT Dân Tộc Nội Trú huyện Điện Biên tổ chức khai giảng năm học 2021 - 2022
  • Đồng chí Bí thư Huyện ủy Điện Biên kiểm tra tình hình sản xuất lúa lúa gạo trên địa bàn huyện Điện Biên
  • 841-850 of 2037<  ...  80  81  82  83  84  85  86  87  88  89  ...  >
  • Ảnh đẹp huyện Điện Biên Thư viện ảnh
  • Bản đồ hành chính

  • Liên kết Website
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập: