|
Là xã thuần nông với trên 1300 hộ, 4267 nhân khẩu sinh sống ở 21 thôn, đội, bản. Noong Luống tuy có diện tích tự nhiên lớn, nhưng diện tích đất sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 1/9 diện tích tự nhiên của toàn xã. Đất canh tác ít, manh mún, thêm vào đó là vị trí, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, ngập úng vào vụ mùa, khô hạn vào vụ chiêm nên đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Để đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của nhân dân, Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định rõ nhiệm vụ phát triển kinh tế là tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng hệ số, vòng quay của đất nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Trong đó tập trung vào những vùng đất có lợi thế, thích hợp cả cho trồng lúa và trồng màu để xây dựng thành những vùng sản xuất chuyên canh lớn. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền xã Noong Luống còn phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc những loại rau, củ, quả mới theo quy trình VietGAP cho người nông dân, với mục tiêu hình thành các vùng sản xuất rau an toàn với quy mô ngày càng lớn, đảm bảo cơ cấu, chủng loại theo nhu cầu thị trường để nâng cao giá trị kinh tế, tạo thêm việc làm và thu nhập cho nông dân cũng như bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường sinh thái.
Đội 18, xã Noong Luống có truyền thống trồng rau màu đã nhiều năm, với tổng diện tích trồng rau mầu hàng năm trên 20 ha. Năng suất bình quân đạt gần 12 tấn/ha/vụ, tổng sản lượng đạt khoảng 240 tấn/năm, đạt giá trị đạt 150 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, trước đây bà con vẫn quen sản xuất theo phương pháp truyền thống, nhỏ lẻ, manh mún nên hiệu quả chưa cao, rau hay nhiễm bệnh. Để thay đổi tập quán sản xuất, năm 2016, UBND xã Noong Luống đã phối hợp với Chi cục BVTV tỉnh triển khai mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, quy mô 2 ha, với 24 hộ tham gia. Theo một số hộ tham gia mô hình cho biết, trồng rau tiêu chuẩn VietGAP năng suất có giảm hơn so với trồng rau theo phương pháp truyền thống, tuy nhiên trên thực tế thì năng suất lại cao và ổn định hơn. Thêm vào đó, trước đây bà con thường bón các loại phân chuồng trực tiếp cho rau nên rau bị nhiễm bệnh, phổ biến là nấm, nhưng giờ bà con đã biết ủ trước khi bón hoặc sử dụng các loại phân vi sinh nên không còn xảy ra tình trạng rau nhiễm bệnh diện rộng như trước. Mặt khác, trồng rau theo quy trình VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao, bởi chủ yếu sử dụng phân bón vi sinh, hạn chế dùng thuốc trừ sâu, tiết kiệm được chi phí sản xuất từ 300.000 đến 500.000 đồng/ha/vụ.
Có thể nói, hiệu quả về kinh tế chỉ là một phần nhỏ mà mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP đang đem lại, cái quan trọng hơn là mô hình tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức, tư tưởng, hành động của người nông dân, giúp họ hiểu được rằng, trong sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm mới là điều kiện kiên quyết và sống còn để duy trì và phát triển.
Chưa bao giờ vấn đề rau sạch, rau bẩn lại thu hút sự quan tâm của toàn xã hội như hiện nay. Với người tiêu dùng, mối lo nhiễm bệnh từ những loại rau không rõ nguồn gốc luôn luôn thường trực. Còn với người tham gia sản xuất rau an toàn luôn gặp khó khăn về đầu ra khiến họ không thể duy trì sản xuất. Để nâng cao chuổi gia trị sản xuất cho người nông dân, xã Noong Luống đã thực hiện ký kết với một số doanh nghiệp trong tỉnh mang các sản phẩm rau, củ, quả sản xuất theo quy trình VietGAP bán tại một số siêu thị trên địa bàn tỉnh. Đây được xem là hướng liên kết mới, giúp nông dân có thêm động lực yên tâm sản xuất, cũng như bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Phát triển các vùng sản xuất rau hàng hóa theo quy trình VietGAP là hướng đi tất yếu trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Bởi, phát triển rau an toàn là góp phần phá thế độc canh cây lúa, làm thay đổi tỷ trọng cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, để phát triển sản xuất rau an toàn đạt hiệu quả và có tính bền vững cao, các cơ quan chức năng cần tổ chức khảo nghiệm, tuyển chọn bổ sung các giống thời vụ thu hoạch khác nhau, thu trái vụ để đa dạng hóa sản phẩm, tránh áp lực trong thu hoạch và có sản phẩm thường xuyên cung cấp ra thị trường. Bên cạnh đó, tăng cường mở các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT cho người dân; xây dựng các nhóm, tổ, HTX sản xuất rau an toàn để nâng cao tính tự chủ, tăng cường liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, qua đó hình thành nền sản xuất nông nghiệp sạch, góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường sinh thái./.