CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐIỆN BIÊN
  • Khu di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ
  • Thời gian đăng: 17/08/2016 03:07:24 PM
  • Nằm giữa khu rừng nguyên sinh thuộc địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên ngày nay, cách thành phố Điện Biên Phủ 25km đường chim bay và khoảng 40km đường bộ về phía Đông, khu di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nguyên là nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ trong những ngày lịch sử kháng Pháp từ 31-1-1954 đến 15-5-1954. Chính tại nơi đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với Sở chỉ huy chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định đến thắng lợi của từng trận đánh mà đỉnh cao là lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận vào lúc 15 giờ ngày 7-5-1954.

  • 1.png

    Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ – Ảnh: nguồn mytour.vn

    Được bố trí dọc theo con suối nhỏ chạy quanh chân núi Pú Đồn, trên một diện tích tự nhiên khoảng 90km², Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ là một hệ thống chỉ huy và phòng thủ dã chiến gồm các hầm hào, lán trại liên hoàn được làm bằng những vật liệu đơn sơ như cây, tre, luồng, lá móc, lá gồi có sẵn tại khu rừng Mường Phăng, rất phù hợp với điều kiện tác chiến và làm việc khẩn trương, đồng thời vẫn bảo đảm được tính bí mật và sự an toàn cho bộ chỉ huy chiến dịch.

    Từ căn hầm chỉ huy đi ra triền núi phía sau và trèo lên đỉnh đồi Pú Cá, có thể quan sát toàn bộ thung lũng Mường Thanh và các cứ điểm quan trọng của quân đội Pháp như Béatrice (đồi Him Lam), Gabrielle (đồi Độc Lập), Dominique (đồi D1), Éliane 1 (đồi C1), Éliane 2 (đồi A1), cầu Mường Thanh…

    2.png

    Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Ảnh: nguồn mytour.vn

    Tính từ ngoài vào trong, Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ gồm các đơn vị được phân bố theo thứ tự: trạm gác tiền tiêu, lán và hầm làm việc của cơ quan thông tin và Cục trưởng thông tin Hoàng Đạo Thúy, lán và hầm làm việc của sỹ quan liên lạc, lán và hầm làm việc của đoàn cố vấn Trung Quốc, lán và hầm làm việc của cơ quan chính trị, lán và hầm làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đường hầm xuyên sơn dài 69m nối liền lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, lán và hầm làm việc của Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, lán tác chiến, nhà hội trường, nhà ăn, bếp Hoàng Cầm, lán Ban cơ yếu.

    31.png

    Góc làm việc của các chiến sĩ thông tin – Ảnh: nguồn vietnamnet.vn

    Trải qua thời gian với nhiều tác động nghiệt ngã của thời tiết, nhiều cơ sở bị hư hại nặng nhưng cũng đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo, đặc biệt lán và hầm làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái… Chừng mươi năm trở lại đây, Mường Phăng đã được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về điện, đường, trường, trạm, trong đó đoạn đường từ dốc Nà Nhạn vào đến xã, nơi vào thời điểm diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ chỉ là đường đất với xe thồ là chính thì nay đã được nhựa hóa, cả con đường dẫn sâu vào nơi đóng quân của Sở chỉ huy cũng được nâng cấp bằng con đường bê-tông dài hơn 1km xuyên sâu dưới cánh rừng Mường Phăng tạo điều kiện thuận tiện cho khách tham quan.

    41.png

    Đường vào Sở chỉ huy ngày nay – Ảnh: nguồn mytour.vn

    Trong những năm gần đây, Khu di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ thu hút khá nhiều khách quốc tế đến tham quan tìm hiểu về cách bố phòng và khả năng che dấu của bộ đội Việt Nam trước sự lùng sục săm soi của lực lượng thám không đối phương, so sánh giữa hai trung tâm chỉ huy Việt - Pháp để hiểu rõ mối tương quan và lịch sử cuộc chiến Điện Biên Phủ từ cả hai phía… Du khách thật khó ngờ khi Sở chỉ huy chiến dịch của Việt Nam cách Sở chỉ huy quân Pháp tại Mường Thanh chỉ 25km đường chim bay và tỏ ra thích thú với bếp Hoàng Cầm, một loại bếp có khả năng che dấu khói rất hiệu quả giúp bảo đảm an toàn cho căn cứ mà vẫn cung ứng cho chiến sĩ đủ cơm nóng canh sốt để có khả năng đánh giặc…

    51.png

    Cụm tượng đài tại Công viên Chiến thắng Mường Phăng – Ảnh: Xuân Minh (Baotintuc.vn)

    Tuy nằm ở ngoại vi thành phố Điện Biên Phủ nhưng Khu di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ cũng là một phần không thể tách rời của quần thể di tích chiến thắng Điện Biên Phủ, nguồn tài nguyên du lịch vô cùng quý giá của tỉnh Điện Biên. Ngoài giá trị văn hóa lịch sử, rừng núi Mường Phăng còn là một trong những khu bảo tồn tự nhiên của tỉnh Điện Biên với nhiều loài động thực vật qúy hiếm. Từ giữa núi rừng Mường Phăng, với sức lao động sáng tạo và cần cù, con người đã hình thành hồ Pá Khoang trong lành ngay giữa đường nối Mường Thanh với Mường Phăng, trở thành khu du lịch phụ trợ góp phần hấp dẫn du khách đến với khu di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, tạo tiền đề cho du lịch Mường Phăng phát triển…

  • Các tin bài khác:
  • Kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp huyện Điện Biên tháng 4 năm 2024
  • Huyện Điện Biên tổ chức Hội nghị tập huấn, tuyên truyền Luật Căn Cước năm 2023
  • Đối tượng được cấp Giấy chứng nhận căn cước; Những Thông tin được in trên giấy chứng nhận căn cước
  • Quy định về nơi làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận căn cước; giá trị sử dụng của Giấy chứng nhận căn cước
  • Mục đích của việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi; Lợi ích của việc thực hiện cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi
  • Kết quả công tác làm sạch dữ liệu dân cư và triển khai Đề án 06 tháng 5/2024
  • Huyện Điện Biên tổ chức Hội nghị tập huấn, tuyên truyền Luật Căn Cước năm 2023
  • Đại hội thi đua Quyết thắng lực lượng vũ trang huyện Điện Biên giai đoạn 2019 - 2024
  • Hội nghị triển khai Kế hoạch phối hợp thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội (BHXH) trên nền tảng cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư trên địa bàn huyện Điện Biên
  • Hội nghị triển khai Kế hoạch phối hợp thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội (BHXH) trên nền tảng cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư trên địa bàn huyện Điện Biên
  • 1871-1880 of 2044<  ...  183  184  185  186  187  188  189  190  191  192  ...  >
  • Ảnh đẹp huyện Điện Biên Thư viện ảnh
  • Bản đồ hành chính

  • Liên kết Website
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập: