CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐIỆN BIÊN
  • Huyện Điện Biên tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới
  • Thời gian đăng: 03/08/2016 09:52:54 AM
  • Mặc dù có điều kiện thuận lợi hơn các địa phương khác trong tỉnh, song triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010 - 2015 trên địa bàn huyện Điện Biên vẫn còn gặp không ít khó khăn. Nhưng được sự giúp đỡ của các cấp các ngành các tổ chức xã hội và lỗ lực của toàn huyện, nhất là sự đồng thuận, cùng chung sức của người dân nông thôn, đã tạo lên sức mạnh tổng hợp để huyện Điện Biên vững bước trên con đường xây dựng nông thôn mới. 

  •          Phần1: Diện mạo nông thôn mới thanh Chăn     

    Rất may mắn và thuận lợi cho huyện Điên Biên có xã Thanh Chăn Là 1 trong số 11 xã của cả nước được chọn xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện đề án, xây dựng mô hình nông thôn mới xã Thanh Chăn đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi, diện mạo nông thôn nơi đây đang đổi thay từng ngày. 

    Đến Thanh Chăn hôm nay mọi người đều thấy mảnh đất này đã thay da đổi thịt, ước mơ của người dân từ bao đời, nay đã được thực hiện nhờ có chương trình xây dựng nông thôn mới. Những con đường trải nhựa, đường bê tông  phẳng lỳ, sạch đẹp, chạy dài tít tắp tới tận các thôn bản, từng khu dân cư. Đồng ruộng sản xuất của bà con nông dân đã được cơ giới hóa toàn bộ, cả xã không còn nhà ai trong cảnh tạm bợ, dột lát. Xã cũng đã nâng cấp trụ sở làm việc của Đảng ủy - UBND, trường THCS, trường Mầm non; Đồng thời xây mới được trung tâm văn hóa xã, nhà  thi đấu thể thao đa năng, sân vận động, trung tâm học tập cộng đồng đều được xây dựng khang trang. Được các tổ chức tài trợ, nhiều gia đình trong xã đã được hỗ trợ việc lắp đặt hệ thống hầm biôga để phục vụ cho việc đun nấu và bảo vệ môi trường. Hai công trình cấp nước sinh hoạt Huổi Bẻ và Huổi Cưởm với 2 bể chứa đầu nguồn dung tích trên 400 khối nước phục vụ tất cả trên 1200 hộ dân trong xã và hơn 300 hộ dân xã Thanh Yên được dùng nước sạch. Để quản lý tốt các công trình phúc lợi, sử dụng được lâu bền, xã đã đề ra qui chế bảo vệ và cử người phụ trách trông coi. Đối với việc quản lý và cung cấp nước nguồn nước sạch, xã đã giao trách nhiệm cho ban quản lý hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, kiêm nhiệm việc quản lý, bảo trì khu vực đầu nguồn và cả hệ thống đường nước.

            T/Đ: Ông Lò văn Oai – trưởng ban quản lý nước sinh hoạt của xã    

    Thực hiện đề án xây dựng NTM, bà con nông dân trong xã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh, huyện sát cánh, hỗ trợ giống lúa, hướng dẫn kỹ thuật gieo sạ, bón phân đúng cách. Bên cạnh đó còn có hệ thống thủy lợi liên hoàn gồm: đập tràn, kênh mương nội đồng được đầu tư nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới đảm bảo việc tưới tiêu cho 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Tuy mới chập chững bước vào nền sản xuất hàng hóa, nhưng bà con nông dân trong xã đã nhận thức đầy đủ những vấn đề cần phấn đấu vươn lên để đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Nhiều chủ hộ gia đình nắm rất chắc những giải pháp cơ bản trong quy hoạch chính sách tam nông, tìm tòi phương pháp để nâng cao thu nhập. Điều thấy rõ nhất là Thanh Chăn có thêm vụ đông trên diện tích hơn 200 ha, mà trước kia bà con nông dân chỉ làm 2 vụ lúa. Vụ đông giúp các hộ có thêm nguồn thu từ: ngô, đậu đỗ, khoai lang, rưa chuột góp phần đảm bảo lương thực và bước đầu cung cấp nông sản ra thị trường. Bước đột phá này nằm trong chủ trương chuyển dịch kinh tế, thay đổi giống cây trồng, vật nuôi trên cơ sở định hướng phù hợp với nhu cầu thực tế thị trường và tạo ra các sản phẩm hàng hóa.

            T/Đ: Người dân đội 9 xã Thanh Chăn – chăm sóc cây vụ đông

    Đến nay, xã Thanh Chăn đã được tỉnh  hỗ trợ trên 3 tỷ đồng để phát triển các mô hình sản xuất có chiều sâu, tận dụng được lợi thế tiềm năng của xã. Người dân mạnh dạn tham gia các dự án cải tạo vườn tạp, gò đồi để trồng các giống cây đặc sản hiệu quả kinh tế cao như: cam, chanh, bưởi, xoài, nhãn, chuối tiêu hồng; dự án nuôi tôm càng xanh và cá rô phi đơn tính; dự án trồng nấm ăn, nấm dược liệu... Nắm bắt lấy cơ hội, bà con mạnh dạn đầu tư vào đồng ruộng, chuyển sang cách làm ăn mới, làm ăn lớn. Cả xã có tới 62 máy cày, máy bừa loại nhỏ, 30 máy tuốt, 21 máy xay xát, 6 điểm thu mua nông sản, 5 xe ô tô vận tải… tạo ra một cuộc cách mạng trên đồng ruộng.  HTX thủy sản Thanh Chăn trở thành cơ sở tạo nguồn cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật cho hàng nghìn hộ dân trong xã và toàn huyện Điện Biên, tạo nên bước chuyển biến mới trong phát triển kinh tế nông thôn. Mỗi năm, HTX này đã nuôi ươm bán đủ cá giống cho các hộ gia đình nuôi trên 30 ha mặt nước và bán cho bà con các xã giáp biên bên nước bạn Lào. 

    Từ các mô hình kinh tế năng động, xã Thanh Chăn đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ trên 40% trước khi thực hiện đề án xuống dưới 10%.  70 hộ nghèo nhất trong xã đã được các đoàn thể và tổ chức xã hội trong tỉnh hỗ trợ kinh phí sửa chữa và làm nhà mới, góp phần xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm bợ trên địa bàn xã. Có thể khẳng định, động lực cho sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc của Thanh Chăn là từ những bước đi đúng, những chính sách hợp lý. hơn 4 năm qua, Nhà nước đã đầu tư trên 50 tỷ đồng cho Thanh Chăn xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần. Thanh Chăn đã đi những bước vững chắc trên con đường xây dựng nông thôn mới nhờ sự đồng lòng quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân, cùng sự chung tay giúp sức của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh.

            T/Đ: Ông Trần văn Hân – Phó ban quản lý xây dựng NTM xã Thanh Chăn

    Điều đáng nói ở Thanh Chăn là vai trò chủ thể của người dân được phát huy, nên họ sẵn sàng đóng góp tiền của, hiến tặng đất, cây cối cho cộng đồng sử dụng vào mục đích phúc lợi. Tiêu biểu như Chủ tịch xã Ca Văn Pánh hiến 1.200m2 đất để xã xây nhà văn hóa; các gia đình Lò Văn Sơn, Lò Thị Vân ở đội 9, Tòng Thị Thinh, Tòng Văn Tính, Lường Văn Biên ở đội 1 hiến đất, hiến cây để lắp đường cấp nước vào các thôn bản. Đó còn là hình ảnh dân bản Pa Lếch hăng hái góp công, góp của, hiến cho xã hàng nghìn m2 đất làm đập thủy lợi. 

             T/Đ: Ông Tòng văn Tính – bản Púng Ngựu xã Thanh Chăn

    Do có sự vào cuộc của người dân và các tổ chức xã hội, mà ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, xã Thanh Chăn còn huy động được hàng chục tỷ đồng từ các nguồn lực trong xã hội và nhân dân tham gia xây dựng NTM. Làm cho đời sống vật chất và tinh thần của gần 5 nghìn đồng bào các dân tộc Thái, Kinh, Tày, Nùng trong xã Thanh Chăn đang ngày càng được cải thiện.

             Phần 2: Huyện Điện biên chung tay xây dựng NTM

    Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn huyện. Qua tổ chức rà soát đánh giá thực trạng, huyện đã đôn đốc các xã thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới cấp xã và Ban phát triển thôn, bản. Đến nay, toàn huyện có tất cả 25/25 xã đã thành lập ban chỉ đạo, ban quản lý xây dựng nông thôn mới cấp xã. Ngoài Thanh Chăn là  một trong 11 xã được Ban Bí thư Trung ương lựa chọn xây dựng mô hình điểm trong toàn quốc. Huyện lựa chọn 5 xã để triển khai điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, đó là: Thanh Xương, Thanh An, Thanh Hưng, Thanh Yên và Mường Phăng.

    Lộ trình xây dựng nông thôn mới của huyện đã xác định rõ: Đi đôi với xây dựng cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm thì tất cả các lĩnh vực từ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch đều có quy hoạch cụ thể, chi tiết. Phấn khởi khi nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đầu tư xây dựng nông thôn mới, nhưng huyện Điện Biên cũng xác định những khó khăn, thách thức trong tiến trình xây dựng nông thôn mới của huyện không phải là nhỏ. Là một huyện miền núi biên giới có nhiều xã đặc biệt khó khăn; kết cấu hạ tầng kinh tế xã hộ còn thấp, nhất là các xã vùng ngoài; tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao; chất lượng nguồn nhân lực thấp, nhiều hộ chưa ứng dụng được KHKT vào sản xuất; dịch bệnh gia súc gia cầm sẩy ra nhiều làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế của toàn huyện. Lao động nông nghiệp trên địa bàn huyện chiếm trên 70%, thu nhập của các hộ dân vùng nông thôn còn thấp; địa hình chia cắt, phức tạp; đường giao thông liên xã chưa được cứng hóa, đường liên thôn bản dài; ruộng đất manh mún nhỏ lẻ … đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.  

    Riêng xã Thanh Chăn, đơn vị làm điểm của cả nước được thực hiện xây dựng nông thôn mới từ năm 2009, còn cả huyện Điện Biên bắt đầu thực hiện tiến trình xây dựng nông thôn mới từ năm 2011. Tháng 4/2011 Ban chấp hành đảng bộ huyện có Nghị quyết số: 11/NQ-HU về việc thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015. Đến tháng 8 năm 2011 UBND huyện có quyết định số: 2959/QĐ - UBND và thành lập ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Điện Biên giai đoạn 2011- 2020, ban chỉ đạo có 34 thành viên gồm 1 trưởng ban, 2 phó trưởng ban và 31 thành viên. 

    Ban chỉ đạo nông thôn mới của huyện đã cùng 5 xã điểm điều tra để lập quy hoạch tổng thể, qui hoạch chi tiết. Nhờ có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của tỉnh, của huyện, các xã điểm đã hoàn thành việc quy hoạch tổng thể về xây dựng nông thôn mới và đã có lộ trình để triển khai các công việc tiếp theo.

    Cấp ủy chính quyền và các đoàn thể huyện và các xã cũng đã xác định rõ, để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới được thuận lợi, cần có sự vào cuộc chung sức, đồng lòng của người dân. Vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ về chương trình xây dựng nông thôn mới được đặt nên hàng đầu.

             T/Đ: Lò văn Lún – chủ tịch MTTQ huyện

    Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức cho người dân học tập các nội dung thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới. Ban chỉ đạo xây dựng NTM của huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp phối hợp với Phòng Lao động Thương binh xã hội và các ban ngành liên quan của tỉnh mở các lớp đào tạo cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới và mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đến nay toàn huyện đã có hơn 3.000 lao động đã được đào tạo nghề và gần 2.800 lao động được giải quyết việc làm mới.

    Việc chỉ đạo, điều hành các chương trình, dự án xây dựng nông thôn mới huyện đã giao cho các xã làm chủ đầu tư; Các nguồn vốn đầu tư đã được xã họp bàn lấy ý kiến của nhân dân chọn hạng mục đầu tư vào các nhu cầu cấp thiết đúng mục đích. Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới của các xã đã tham gia giám sát các dự án đầu tư của Nhà nước trên địa bàn xã.

             T/Đ: Ông Phạm Lâm Mười – Phó ban quản lý xây dựng NTM xã Thanh An

    Với cách làm này, chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến tích cực. Nhiều cây trồng, vật nuôi, mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển sản xuất cho nhân dân địa bàn vùng nông thôn được triển khai thực hiện. Các mô hình khuyến nông, nâng cao năng lực sản xuất và thông tin thị trường cho nông dân đã góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng phát triển sản xuất phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế.

    Trong 3 năm, từ năm 2011 đến 2013, bằng các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn sự nghiệp khuyến nông, vốn lồng ghép chương trình 135 và các nguồn vốn khác. Huyện Điện Biên đã triển khai trên 50 mô hình khuyến nông, mô hình sản xuất có hiệu quả giúp nông dân phát triển kinh tế hộ gia đình.

             T/Đ: Lò văn Ngọc – cán bộ khuyến nông xã Thanh Yên

    Quả thực đối với người dân thúc đẩy sản xuất phát triển kinh tế là việc làm thể hiện rõ hiệu quả của chương trình xây dựng nông thôn mới. Kinh tế có phát triển bền vững thì người dân mới có điều kiện tham gia đóng góp cùng chính quyền thực hiện xây dựng các tiêu chí khác trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

             T/Đ: Ông Nguyễn văn Toàn – đội 4 xã Thanh Yên

             T/Đ: Bà Lò Thị Chung  -  bản Che Căn xã Mường Phăng

    Thực hiện mục tiêu chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới  huyện đã hỗ trợ thành lập mới 12 HTX nông, công nghiệp và dịch vụ, trong đó, có 11 HTX nông nghiệp, thủy sản. Qua đó, góp phần phát triển các dịch vụ phục vụ và hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cho người dân trên địa bàn.

    Do làm tốt công tác thông tin tuyên truyền giải thích và đã giúp cán bộ đảng viên và nhân dân trên địa bàn các xã nắm được chủ chương chính sách của đảng và nhà nước về mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ đó đã làm chuyển biến nhận thức của đại bộ phận nhân dân, chính vì vậy mà các dự án đang triển khai tại địa bàn đã được nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Cụ thể như dự án làm đường 279, đường đi hồ Bồ Hóng, đường liên thôn bản, các tuyến đường nội đồng xã Thanh Hưng, Thanh Xương, hay công trình xây dựng nhà văn hóa bản Ten Bua và C9a, C9c xã Thanh Xương nhân dân đã đóng góp nhiều ngày công lao động và đã hiến hàng trăm mét đất để thi công công trình.

             T/Đ: Người dân đội 17 xã Thanh Xương

            T/Đ: Bà Cà Thị Xiên – đội trưởng đội 11 bản Ten Bua

    Đảm bảo thực hiện mục tiêu đề ra trong chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015, huyện đang tập trung cho phát triển kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng.  Năm 2011 và 2012, tranh thủ các nguồn vốn của trung ương của tỉnh, huyện đã nâng cấp trải ngựa được 16 km đường trục vào 2 xã  Pa Thơm và Na Ư; đường trục vào các xã, thôn bản ngõ xóm đã được đổ bê tông cứng hóa trên 50 km. Ngoài xã Thanh Chăn, thì tại các xã như: Thanh xương, Thanh Hưng, Thanh An, Sam Mứn nhiều tuyến đường dân sinh liên thôn liên bản cũng được nâng cấp mở rộng. Tại xã Thanh Hưng, Thanh An, Mường Phăng đã xây dựng được những cây cầu bằng bê tông cốt thép phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhu cầu đi lại của nhân dân nhất là vào những tháng mùa mưa.

            T/Đ: Ông Vì văn Biến – Phó ban quản xây dựng NTM xã Thanh Hưng

    Tại xã Thanh An bằng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới và vốn lồng ghép xã đã xây mới được 250 mét kênh mương cấp 3, nâng cấp đập thủy lợi và đường kè suối bản Phiêng ban phục vụ tưới cho gần 200 ha ruộng lúa 2 vụ.

           T/Đ: Ông Lò Văn Mấng – Trưởng bản Sáng xã Thanh Yên

    Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới huyện đã chỉ đạo xã Thanh xương tổ chức làm điểm về việc dồn điền đổi thửa tại khu vực ruộng của C17 và C9 với diện tích trên 3 ha, bước đầu đã đem lại hiệu quả, góp phần vào việc công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông thôn, nông nghiệp.

    Qua một thời gian thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Điện Biên, trình độ quản lý của cán bộ từ huyện đến xã và các thôn bản được nâng lên rõ rệt cả về tư duy và nhận thức. Nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong các xã, nhất là 5 xã điểm đã có những chuyển biến tích cực. Một số mô hình sản xuất đã được thay đổi về phương thức và định hướng phù hợp với đặc điểm của địa phương. Chương trình đã khơi dậy tinh thần tự lực tự cường trong nhân dân, góp phần cùng nhà nước đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ cho tiến trình cải cách toàn diện nông thôn nông nghiệp.

    Đánh giá kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới  theo Quyết định 342 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi Bộ Tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới cho thấy:

    Tại các xã được lựa chọn thực hiện điểm giai đoạn 2010 - 2015, đến thời điểm này xã Thanh Chăn đạt 12/19 tiêu chí, xã Thanh Xương đạt 10/19 tiêu chí; xã Thanh Hưng đạt 9/19 tiêu chí, xã Thanh an đạt 8/19 tiêu chí, xã Thanh yên đạt 7/19 tiêu chí và mường Phăng đạt 6/19 tiêu chí.

     Đến nay, 100% số xã trong huyện có đường ôtô đến trung tâm xã; trong đó, có 85% đường rải nhựa hoặc cấp phối; 100% số xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã; tỷ lệ hộ trong huyện được sử dụng điện lưới đạt 96%; 100% số xã có điện thoại và điểm bưu điện văn hóa xã; trên 98% dân số được phủ sóng truyền thanh, truyền hình. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn gần 21% (giảm gần 13% so với năm 2010).

             T/Đ: Ông Phạm Văn Bách – Phó ban chỉ đạo xây dựng NTM của huyện

    Phát huy sức mạnh nội lực của cả hệ thống chính trị thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn.Qua thời gian thực hiện chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới bộ mặt nông thôn của huyện đã có phần khởi sắc. Nhân dân các dân tộc trong huyện càng thêm đoàn kết vững tin vào đường lối chủ chương của đảng và sự lãnh đạo của đảng bộ địa phương.

  • Tác giả: Lưu Hồng Sinh - Đài TT-TH huyện Điên Biên
  • Các tin bài khác:
  • HUYỆN ĐOÀN - HỘI ĐỒNG ĐỘI HUYỆN ĐIỆN BIÊN ĐẨY MẠNH CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 79 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐỘI TNTP HỒ CHÍ MINH (15/5/1941-15/5/2020)
  • TUYÊN TRUYỀN ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN ĐIỆN BIÊN LẦN THỨ XX, NHIỆM KỲ 2020 – 2025
  • Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19
  • Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Điện Biên triển khai cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc đối với người lao động theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24.4.2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid – 19.
  • Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện Điện Biên năm 2020
  • Thầy và trò trường THCS xã Thanh Luông tham gia Hoạt động trải nghiệm “Bác Hồ với thiếu niên”.
  • Lớp Bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới khóa II năm 2020
  • Huyện Điện Biên với công tác chăm sóc Người khuyết tật
  • Giám sát việc thực hiện một số chính sách an sinh xã hội trên địa bàn huyện
  • Triển khai Tháng hành động Vì trẻ em năm 2020
  • 611-620 of 2042<  ...  57  58  59  60  61  62  63  64  65  66  ...  >
  • Ảnh đẹp huyện Điện Biên Thư viện ảnh
  • Bản đồ hành chính

  • Liên kết Website
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập: