|
Sáng ngày 10/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19.
Tham dự tại điểm cầu huyện Điện Biên có các đồng chí: Nguyễn Hữu Khởi - Chủ tịch UBND huyện, Lường Thị Liếng - Phó Chủ tịch HĐND huyện, cùng các đồng chí Lãnh đạo đại diện các phòng, ban, cơ quan chuyên môn thuộc huyện.
Hội nghị đã được nghe Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo diến biến tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay tại nước ta và trên thế giới hết sức phức tạp và khó lường, nên người dân không được lơ là, chủ quan. Tính đến ngày 10/4/2020, tại Việt Nam số trường hợp mắc bệnh là 255, trong đó số ca đã bình phục là 144; thế giới có 1.604.718 người mắc bệnh, có 95.735 người tử vong. Với tinh thần "Không ai bị bỏ lại phía sau", Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 lên tới 62 ngìn tỷ đồng.
Nội dung hỗ trợ gồm:
1. Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng.
Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hàng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1/4 và không quá 3 tháng.
2. Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3 điều 98 bộ luật Lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế, nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.
3. Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ 1.4 được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng theo hàng tháng, tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, nhưng không quá 3 tháng.
4. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng theo hàng tháng, tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020.
5. Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 và được chi trả 1 lần.
6. Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 và được chi trả 1 lần.
7. Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31.12.2019 được hỗ trợ 250.000 đồng/khẩu/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 và được chi trả 1 lần.
Nghị quyết của Chính phủ cũng nêu rõ: người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa không quá 12 tháng.
Nghị quyết của Chính phủ cũng nêu rõ: người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa không quá 12 tháng.
Cho phép người lao động được gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường bưu điện, thông báo về việc tìm kiếm việc làm hàng tháng được thực hiện dưới hình thức gián tiếp (gửi thư điện tử, fax, qua đường bưu điện…) từ ngày 1/4 đến khi công bố hết dịch mà không phải xin xác nhận UBND xã, phường, thị trấn về việc xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.
Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ: nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động.
Hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội cho người dân là việc làm cần thiết, cấp bách lúc này. Mục đích là để người lao động, người dân nghèo vượt qua khó khăn, bảo đảm cuộc sống tối thiểu và tiếp sức cho người lao động tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, là ý Đảng, lòng dân để mọi người chăm lo, thương yêu nhau, quyết tâm, đồng lòng vừa ngăn chặn đại dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế-xã hội. Nó không chỉ bảo đảm an sinh xã hội, tái sản xuất sức lao động cho người dân mà còn gắn kết tinh thần dân tộc trong giai đoạn khó khăn, thử thách này. Hy vọng với tinh thần ấy, chúng ta sẽ nhanh chóng dập tắt được dịch bệnh, khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống và giúp đất nước phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn.