|
Thực hiện Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 và gần đây là TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính Nhà nước.
Xác định việc xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO là nội dung quan trọng của công tác cải cách hành chính. Huyện Điện Biên đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch, hướng dẫn triển khai thực hiện đến các cơ quan, đơn vị trên toàn huyện. Đến nay, 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện đã xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO trọng hoạt động của đơn vị. Việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO nhằm hoàn thiện và hệ thống hóa quy trình xử lý công việc hợp lý, tạo điều kiện để người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước kiểm soát được quá trình giải quyết công việc trong cơ quan, đơn vị. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý và cung cấp dịch vụ công.
Nhằm đẩy mạnh và phát huy cao hơn nữa việc áp dụng tiêu chuẩn ISO trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước từ huyện đến cơ sơ. Ngày 16/3/2018, Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên đã ban hành Kế hoạch số 349/KH-UBND về việc triển khai xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại UBND các xã thuộc huyện Điện Biên.
Theo kế hoạch Hệ thống quản lý chất lượng sẽ được xây dựng và áp dụng tại 15 xã: Thanh Nưa, Thanh Hưng, Thanh Luông, Thanh Xương, Thanh Chăn, Thanh An, Thanh Yên, Hua Thanh, Noong Luống, Noong Hẹt, Sam Mứn, Pom Lót, Nà Nhạn, Mường Phăng, Núa Ngam. Thời gian bắt đầu nghiên cứ, xây dựng bắt đầu từ tháng 04/2018 và dự kiến kết thúc, đi vào hoạt động từ tháng 10/2018.
Việc xây dựng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2015 tại Ủy ban nhân dân các xã là công cụ nhằm chuẩn hóa các quy trình giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân và tổ chức bảo đảm đúng trình tự, thời gian theo quy định, tạo sự công khai, minh bạch trong công tác quản lý Nhà nước. Việc áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn ISO trong các cơ quan hành chính Nhà nước tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác phối hợp và đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải quyết công việc giữa các bộ phận trong cơ quan và giữa cơ quan với đơn vị, cá nhân khác. Tại các cơ quan, đơn vị đã đưa hệ thống vào vận hành, sẽ có những quy định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của các bộ phận, cá nhân, tránh chồng chéo trong xử lý công việc, tạo môi trường làm việc khoa học. Hiệu quả áp dụng HTQLCL được thể hiện rõ nhất ở tính công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, góp phần giảm hiện tượng nhũng nhiễu, gây phiền hà của cán bộ, công chức, tạo điều kiện thực hiện cơ chế “một cửa” tại các đơn vị.