|
Xã Sam Mứn nằm phía Đông Nam lòng chảo Điện Biên, có diện tích tự nhiên là 2.447,88 ha, cách trung tâm Thành phố Điện Biên Phủ khoảng 15,0 km. Có vị trí địa lý như sau:
+ Phía Đông giáp xã Núa Ngam;
+ Phía Tây giáp xã Pom Lót;
+ Phía Nam giáp xã Hẹ Muông và xã Núa Ngam;
+ Phía Bắc giáp xã Noong Hẹt.
Xã Sam Mứn thuộc vùng lòng chảo huyện Điện Biên, có địa hình tương đối bằng phẳng, độ cao từ 450 - 1.100 m so với mực nước biển, nghiêng dần từ Đông Nam sang Tây Bắc. Diện tích bằng phẳng nằm phía Tây Bắc của xã chiếm khoảng 30 % tổng diện tích tự nhiên của xã. Đây là dạng địa hình thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp (chủ yếu là canh tác lúa nước) và một số ngành nghề như: tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ.
Xã Sam Mứn nằm về phía Nam của vùng lòng chảo Điện Biên, mang nét đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa vùng núi phía Tây Bắc. Hàng năm chịu ảnh hưởng của hai khối không khí lớn: Khối không khí phía Bắc lạnh, khô và khối không khí phía Nam nóng, ẩm, chia khí hậu Sam Mứn thành hai mùa rõ rệt trong năm:
- Mùa lạnh và khô từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau: Nhiệt độ thấp, bình quân 15,20C (tháng 1), ít mưa, lượng mưa chiếm 20% lượng mưa cả năm, lượng bốc hơi lớn, độ ẩm thấp;
- Mùa nóng ẩm từ tháng 4 đến tháng 10: Nhiệt độ cao, bình quân tháng nóng nhất là 25,70C (tháng 6, 7), mưa nhiều, lượng nước bốc hơi lớn, độ ẩm không khí cao. Lượng mưa bình quân từ 1.400-1.600 mm/năm, mưa nhiều tập trung vào tháng 6, 7, 8, chiếm khoảng 80% lượng mưa cả năm.
Xã Sam Mứn có sôngNậm Núa chảy từ Đông sang Tây, có suối Nậm Ngam chảy từ phía TâyNam về sông Nậm Rốm, lượng nước phụ thuộc theo mùa có lưu lượng lớn về mùa mưa, thường gây ngập úng. Mùa khô mưa ít, lượng nước trên sông suối cũng nhỏ đi. Ngoài ra, xã còn có hồ nước lớn là hồ Hồng Sạt là nơi dự trữ nước cho mùa khô, đây là nguồn nước cung cấp tưới cho cánh đồng của xã.
Hàng năm, vào mùa mưa thường xảy ra ngập lụt tại các vùng thấp thuộc xã do có lũ xảy ra đột ngột bởi sự hợp lưu của các con sông Nậm Núa, Nậm Ngam, Nậm Rốm.
Điển hình, đêm ngày 30/6, rạng sáng ngày 01/7 và sáng ngày 02/7/2011 trên địa bàn xã Sam Mứn có mưa to, lũ quét gây thiệt hại cho diện tích lúa mới gieo bị trôi, lúa chưa gặt bị vùi lấp, thóc bị hư hỏng; đập dâng thủy lợi bị hư hại và một số thiệt hại khác.
Qua kết quả khảo sát thực địa và kế thừa tài liệu kết quả điều tra xây dựng bản đồ lập địa cấp II của tỉnh Điện Biên. Do đặc điểm của địa hình, đá mẹ, khí hậu và thực vật, thổ nhưỡng trên địa bàn xã Sam Mứn hình thành các loại nhóm đất sau:
a) Nhóm đất phù sa
- Nhóm đất phù sa không được bồi đắp hàng năm (P).
- Nhóm đất phù sa sông, suối (Py).
Đây là loại đất chủ yếu trên địa bàn xã. Nhóm đất này thuộc loại đất tốt, có độ phì tự nhiên khá, cần được sử dụng triệt để vào sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển các loại cây lương thực, rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày.
b) Nhóm đất đỏ vàng
- Đất đỏ vàng trên đá Macma axit (Fa): Đây là loại đất có độ phì tự nhiên thấp. Vì vậy, cần phải phủ xanh đất trống, đồi núi trọc để hạn chế rửa trôi, xói mòn, bảo vệ phục hồi dần độ phì của đất, bảo vệ môi trường sinh thái.
5.2. Tài nguyên nước
a) Nguồn nước mặt: Nguồn nước mặt của xã Sam Mứn chủ yếu được khai thác từ các khe nước ngọt, sông Nậm Rốm, Nậm Núa, Nậm Ngam đảm bảo nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn xã Sam Mứn có hồ chứa nước Hồng Sạt có chiều dài 2 km, rộng trung bình 200m, diện tích lưu vực khoảng 9 km2, cung cấp nước tưới cho 360 ha ruộng lúa và hoa màu của xã Sam Mứn;
b) Nguồn nước ngầm: Hiện nay, chưa có tài liệu nào nghiên cứu về nguồn nước ngầm của vùng nói chung và của xã nói riêng. Tuy nhiên, nguồn nước này hiện được khai thác vào phục vụ sinh hoạt của nhân dân thông qua các khe suối.
5.3. Tài nguyên rừng
Theo kết quả thống kê diện tích đất đai đến ngày 01/01/2014 huyện Điện Biên, trên địa bàn xã hiện có 839,77 ha đất lâm nghiệp, chiếm 34,31% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó có 533,45 ha đất rừng sản xuất và 306,32 ha đất rừng phòng hộ. Đến nay, diện tích rừng được khoanh nuôi và trồng rừng được bảo vệ tốt hơn.
Xã Sam Mứn hiện có 3 dân tộc chính cùng sinh sống là: Kinh, Thái, Tày. Với những phong tục, tập quán riêng của từng dân tộc đã hình thành một nền văn hóa đa dạng, phong phú, giàu bản sắc. Người dân nơi đây với tính cần cù, chịu khó, có kinh nghiệm trong sản xuất đã biết kế thừa và phát huy những kinh nghiệm, truyền thống của dân tộc mình, tiếp thu, học hỏi những tinh hoa văn hóa của các dân tộc anh em để củng cố thêm khối đại đoàn kết dân tộc và cùng nhau xây dựng nền kinh tế - xã hội của xã ngày càng giàu mạnh. Thành quả đạt được trong lao động sản xuất, nguồn nhân lực được đào tạo sẽ là thế mạnh phát triển nền văn hoá, kinh tế, xã hội của xã trong tương lai.
II. Đặc điểm kinh tế, xã hội
Xã có15 thôn bản cùng sinh sống với 1278 hộ = 5275 nhân khẩu gồm 2 dân tộc chính, dân tộc Thái chiếm 78,2%; Dân tộc Kinh chiếm 20,7%, ngoài ra còn một số dân tộc khác chiếm 1,1%.
Đảng bộ xã có 20 chi bộ trực thuộc với 272 Đảng viên, trong đó: Thường trực Đảng ủy có 02 người; Ban chấp hành Đảng bộ có 13 người. HĐND gồm Thường trực HĐND có 02 người; đại biểu HĐND có 22 người. UBND gồm 01 chủ tịch, 01 phó chủ tịch, 01 ủy viên; 11 công chức. Các tổ chức chính trị - xã hội, gồm: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Công đoàn cơ sở và Đoàn Thanh niên CSHCM xã được tổ chức rộng khắp và hoạt động có hiệu quả. Trên địa bàn xã có 03 trường học, 01 trạm y tế và 05 đơn vị đứng chân gồm: Tiểu đoàn bộ binh 1, phân kho K65, Trại tạm giam, trạm thủy văn và hồ Hồng Sạt.