|
Trong những năm qua, hoạt động ban hành nghị quyết của HĐND cấp xã đã kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trường của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cơ bản đảm bảo tính hợp pháp, tính hợp lý, tính khả thi, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, từng bước khẳng định và phát huy vị trí, vai trò là cơ quan đại diện của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số hạn chế cần phải khắc phục như:
Một số nghị quyết nội dung còn chung chung, thiếu tính chặt chẽ, thiếu căn cứ pháp lý; các đánh giá, phân tích còn thiếu tính thuyết phục; các thông tin trong nội dung dự thảo nghị quyết mới chỉ dừng lại ở những con số thống kê. Việc tiến hành, thực hiện các quy trình ban hành nghị quyết vẫn còn chưa theo quy định; nhiều dự thảo nghị quyết chưa được tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức hữu quan, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của nghị quyết hoặc nếu có cũng chỉ mang tính hình thức,… do vậy, có những nghị quyết tính khả thi không cao; chưa sát với thực tế.
Nguyên nhân của những hạn chế trên là:
Một là, Thường trực HĐND chỉ có Chủ tịch và Phó Chủ tịch (Chủ tịch HĐND lại kiêm nhiệm). Cán bộ giúp việc là công chức văn phòng thống kê vừa giúp việc cho UBND, vừa giúp việc cho HĐND cấp xã. Mặc dù đã được thành lập 02 Ban cấp xã, nhưng thành viên các Ban đều hoạt động kiêm nhiệm, trong khi khối lượng công việc của HĐND khá nhiều là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của HĐND cấp xã nói chung, hoạt động ban hành nghị quyết của HĐND xã nói riêng.
Hai là, trình độ, năng lực và kinh nghiệm của đại biểu HĐND cấp xã còn có những hạn chế nhất định, thiếu kiến thức chuyên môn, thiếu kỹ năng cần thiết để thực hiện nhiệm vụ đại biểu nên chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Để nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết của HĐND cấp xã trong thời gian tới, có thể nghiên cứu một số giải pháp cơ bản như:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ủy đối với hoạt động ban hành Nghị quyết của HĐND cấp xã. Đảng ủy cấp xã cần phát huy vai trò định hướng chính trị thông qua việc đề ra các chủ trương, nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương; chỉ đạo HĐND cấp xã kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của cấp ủy thành các nghị quyết, nhiệm vụ, đề án, quyết định cụ thể. Trước mỗi kỳ họp, Đảng ủy xã cần nghiên cứu kỹ dự thảo nghị quyết của HĐND để có ý kiến chỉ đạo cụ thể; đặc biệt là nghị quyết về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội; về phân bổ dự toán ngân sách nhà nước và chi ngân sách địa phương, nghị quyết về chương trình giám sát,… Cấp ủy cần quan tâm định hướng về nội dung và phương thức hoạt động giám sát của HĐND; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo HĐND trong suốt quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết về chương trình giám sát; trong hoạt động xem xét báo cáo, chất vấn,…
Hai là, phải xác định đúng nội dung, lĩnh vực cần ban hành nghị quyết. Việc lựa chọn nội dung để ban hành nghị quyết phải trên cơ sở định hướng, chỉ đạo của cấp ủy, quy hoạch chiến lược tổng thể về phát triển kinh tế xã hội của địa phương và xuất phát từ yêu cầu thực tế về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ cụ thể của HĐND trong từng thời điểm nhất định. Nội dung nghị quyết phải thực sự cần thiết, cấp bách, phải làm rõ mục đích của việc ban hành nghị quyết, đối tượng và mức độ tác động đến các đối tượng, các nguồn lực, khả năng của địa phương bảo đảm nghị quyết được thực thi; đặc biệt, các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo nghị quyết phải thực hiện theo đúng quy trình quy định.
Ba là, tăng cường công tác phối hợp trong hoạt động ban hành nghị quyết. Đặc biệt, trong ban hành nghị quyết là văn bản QPPL, các Ban của HĐND chủ động vào cuộc, phối hợp ngay từ đầu với UBND trong việc chuẩn bị nội dung; chủ động tham dự các cuộc họp do UBND tổ chức để nắm bắt thông tin, tham gia, góp ý kiến ngay từ khâu soạn thảo dự thảo nghị quyết trình HĐND.
Hoạt động ban hành nghị quyết của HĐND cấp xã là hết sức quan trọng và cần thiết. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới, trên cơ sở điều kiện cụ thể của từng địa phương, đòi hỏi HĐND các cấp nói chung và HĐND cấp xã nói riêng phải không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động ban hành nghị quyết, đảm bảo nghị quyết có tính khả thi, đi vào thực tế cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội địa phương./.