Bia hận thù Noong Nhai
Tháng 11/1953, ngay sau khi nhảy dù xuống chiếm đóng Điện Biên Phủ, Pháp đã cho quân càn quét, dồn dân vào các trại tập trung.
Noong Nhai khi đó là một trại tập trung lớn nhất, chúng nhồi nhét khoảng hơn 3.000 người của các bản Mường Thanh, Bôm La, Thanh An, Noong Luống, Noong Hẹt, Pom Loi, bản Khá... Người dân Khơ Mú ở các bản vùng cao như Núa Ngam, Pú Nhi (nay thuộc huyện Điện Biên Đông) cũng bị giặc ép bỏ nhà cửa xuống trại tập trung.
Mục đích của quân Pháp cực kỳ nham hiểm, chúng muốn tách người dân khỏi Việt Minh, lấy người dân làm bia đỡ đạn một khi cuộc chiến nổ ra.
Khoảng 14 giờ ngày 25/4/1954 quân Pháp đã cho nhiều tốp máy bay bổ nhào cắt bom, giội thẳng xuống đầu người dân vô tội. Trận ném bom chỉ kéo dài chừng 30 phút nhưng đã khiến cho 444 người con của bản chủ yếu là người già, phụ nữ, trẻ em ở trại tập trung Noong Nhai đã chết.
Khu tưởng niệm những người dân vô tội ở trại tập trung Noong Nhai đã chết bởi bom đạn của giặc Pháp ngày 25/4/1954.
Ngày nay, khu tưởng niệm những người dân vô tội bị chết bởi bom đạn của giặc Pháp năm nào đã được xây dựng bên quốc lộ 279 - con đường xuyên Á sang nước bạn Lào, thuộc địa phận xã Thanh Xương. Nổi bật ở khu tưởng niệm là bức tượng người phụ nữ Thái bế đứa con đã bị bom giặc giết chết trên tay, thể hiện nỗi đau mất con của những người mẹ và qua đó, gửi thông điệp, nhắc nhở đến thế hệ con cháu hôm nay mãi nhớ về lịch sử.
Hơn 6 thập kỷ qua đi, khoảng thời gian ấy đã đủ để người dân ở mảnh đất nghèo Noong Nhai hàn gắn vết thương chiến tranh và phát triển nền kinh tế, vươn lên làm giàu. Những chương trình, chính sách chăm lo đời sống nhân dân mà Đảng, Nhà nước đầu tư trên địa bàn đã phát huy hiệu quả và thật sự tạo bước đột phá cho Noong Nhai đổi thay.
Một góc bản Noong Nhai
Những năm qua, Noong Nhai luôn giữ vững danh hiệu bản văn hóa tiêu biểu. Nơi đây hiện đang lưu giữ những giá trị văn hóa, phong tục bản địa rất độc đáo của gần 80 hộ dân tộc Thái và trở thành địa chỉ thu hút du khách trong, ngoài nước đến du lịch và tìm hiểu về mảnh đất lịch sử mỗi khi đặt chân lên đất Điện Biên.