• KẾT QUẢ KỲ HỌP THỨ 9, QUỐC HỘI KHÓA VIV
  • Thời gian đăng: 05/08/2020 03:11:00 PM
  • Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid -19 ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các quốc gia, khiến cho kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái, trong đó Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế trong nước chịu tác động nặng nề; các hoạt sản xuất, kinh doanh, giao thương, du lịch… đều giảm sút hoặc đình trệ.

    Mặc dù gặp khó khăn, thách thức lớn nhưng nhờ sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhân dân cả nước và cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đất nước vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm; ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động kinh tế - xã hội được đẩy mạnh; an sinh xã hội bảo đảm. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường; uy tín và vị thế quốc tế của nước ta được tăng lên. Việt Nam đã thành công trong kiểm soát đại dịch Covid -19 được quốc tế và nhân dân cả nước ghi nhận và đánh giá cao.

    Tại kỳ họp này, Quốc hội đã tổ chức hai đợt họp (trực tuyến và tập trung), có hơn một tuần để các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn thiện các dự án, dự thảo trình Quốc hội vào đợt họp tập trung; Sau 19 ngày làm việc với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, nghiêm túc, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Cụ thể:

    1. Công tác lập pháp

    - Đã thông qua 10 luật, gồm: Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

     - Thông qua 21 Nghị quyết, gồm: Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Xóa bỏ lao động cưỡng bức (ILO); Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội; Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020...

    - Đã xem xét, cho ý kiến về 6 dự án luật khác để các cơ quan liên quan, nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau, gồm: Dự án Luật Biên phòng Việt Nam; Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế; Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Dự án Luật Cư trú (sửa đổi); Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

    2. Giám sát tối cao

    2.1.Về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019 và tình hình triển khai thực hiện những tháng đầu năm 2020

    - Ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành, chủ động, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, linh hoạt của Chính phủ, sự đồng lòng, chung sức, thống nhất, đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị, tạo nên sức mạnh to lớn, thực hiện thành công mục tiêu kép là phòng chống thành công đại dịch Covid-19 nhưng vẫn duy trì được tăng trưởng và các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

    - Yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, bám sát tình hình thực tế để chủ động chỉ đạo, điều hành thực hiện đồng bộ, các nhiệm vụ, giải pháp mà Quốc hội đã đề ra trong Nghị quyết số 85/2019/QH14 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 để sớm phục hồi nền kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, đời sống đối với người lao động, đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người yếu thế và phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

    2.2. Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”

    - Quốc hội đánh giá: ghi nhận các cơ quan, tổ chức ở trung ương và các địa phương đã có sự chỉ đạo quyết liệt và đạt kết quả cao trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, đó là; hệ thống chính sách, pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em được ban hành đồng bộ, kịp thời; công tác xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em được tăng cường. Đặc biệt, các biện pháp hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại và trẻ em bị xâm hại được coi trọng hơn. Xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án xâm hại trẻ em, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm, tội phạm xâm hại trẻ em. Đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em từng bước được củng cố.

    - Quốc hội cũng đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, như: một số quy định của Luật Trẻ em và các luật có liên quan chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ, chậm được sửa đổi, bổ sung; bạo lực đối với trẻ em xảy ra trong gia đình ít được phát hiện, xử lý; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được tiến hành thường xuyên, chất lượng, hiệu quả chưa cao, ít phát hiện được vi phạm; việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa quy định đầy đủ, kịp thời, pháp luật chưa hoàn thiện nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

    2.3. Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri

    Với 1.396 cuộc tiếp xúc trước và sau kỳ họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp nhận và tổng hợp được 2.102 kiến nghị của cử tri; Quốc hội đánh giá cao sự tích cực, khẩn trương, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành trong xem xét, giải quyết và trả lời các kiến nghị của cử tri trong bối cảnh tập trung đối phó diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Nhờ đó, nhiều nguyện vọng chính đáng của cử tri đã được tiếp thu, nghiên cứu xử lý và trả lời thấu đáo. Tuy nhiên, chất lượng tổng hợp, xử lý kiến nghị cử tri của các Đoàn đại biểu Quốc hội vẫn còn một số bất cập, như: chưa cập nhật hiệu lực thi hành văn bản quy phạm pháp luật; kiến nghị nội dung còn chung chung,... Đối với Chính phủ, Bộ, ngành, vẫn còn một số ít văn bản trả lời chưa đủ thông tin, nội dung của cử tri kiến nghị, chưa chủ động, linh hoạt tìm giải pháp để tháo gỡ do đó cử tri tiếp tục kiến nghị nhiều lần; công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành trong việc xem xét, giải quyết các kiến nghị có nội dung liên ngành, liên lĩnh vực vẫn còn chậm...

    2.4. Không tổ chức giám sát chuyên đề trong năm 2021 và thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020

    Trên cơ sở nghiên cứu, thảo luận, cân nhắc nhiều mặt của chương trình giám sát, Quốc hội đã nhất trí không tổ chức giám sát chuyên đề trong năm 2021 và thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 202, gồm: xem xét các báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan (tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV); kết quả công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV); tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn (tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV); xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và một số báo cáo khác theo quy định.

    3. Xem xét kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng khác

    3.1. Phân bổ vốn viện trợ không hoàn lại, điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018

    Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phân bổ vốn viện trợ không hoàn lại, điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 như sau:

     - Phân bổ chi tiết vốn viện trợ không hoàn lại 5.370.580 triệu đồng của ngân sách trung ương năm 2018 cho 33 bộ, cơ quan Trung ương và điều chỉnh giảm dự toán chi thường xuyên, tăng dự toán chi đầu tư phát triển năm 2018 của Bộ Tài chính 1.991.061 triệu đồng.

    - Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.880.029.177 triệu đồng, bao gồm số thu chuyển nguồn từ năm 2017 chuyển sang năm 2018, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2017, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

    - Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.869.791.887 triệu đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2018 sang năm 2019.

    - Bội chi ngân sách nhà nước là 153.110.403 triệu đồng, bằng 2,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.

    - Tổng mức vay của ngân sách nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 284.806.197 triệu đồng.

    3.2. Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030

    Quốc hội thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Chương trình đã tích hợp hơn 100 chính sách dân tộc hiện nay; tập trung vào các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hộ gia đình, người dân tộc thiểu số; người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, xã hội hoạt động ở địa bàn đặc biệt khó khăn, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền, bảo đảm phù hợp với phong tục, tập quán của từng dân tộc, từng vùng; từ đó, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đồng thời quy hoạch đồng bộ, bố trí lại nơi ở, sản xuất của đồng bào tại các vùng bị ảnh hưởng của thiên tai; bảo đảm sinh kế cho người dân tộc thiểu số, giảm nghèo bền vững… trong thời gian 10 năm (2021 - 2030) dựa trên nguồn vốn chủ yếu từ ngân sách nhà nước (trong đó, giai đoạn 2021-2025: tối thiểu 137.664,95 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030: dự kiến 134.270,70 tỷ đồng).

    3.3. Chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020

    - Sau khi xem xét, đánh giá và thảo luận Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Việc chuyển đổi từ phương thức đối tác công tư sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước đối với 03 dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và bổ sung vốn đầu tư không quá 23.461 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước.

    - Quốc hội đề nghị: Chính phủ rà soát, xác định và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý của tổng mức đầu tư điều chỉnh của từng dự án thành phần chuyển đổi và tổng mức đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; tổ chức triển khai thực hiện các dự án thành phần chuyển đổi sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công, chậm nhất đến cuối năm 2022 hoàn thành, đưa vào sử dụng; xây dựng phương án phù hợp để thu hồi vốn hoàn trả vào ngân sách trung ương.

    3.4. Công tác nhân sự

    - Để bảo đảm sự chủ động và chuẩn bị tốt nhất cho công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Quốc hội đã thành lập Hội đồng bầu cử Quốc gia (sớm hơn một kỳ so với các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân trước đây); đồng thời đã bầu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân giữ chức Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia và xem xét, phê chuẩn 04 Phó Chủ tịch và 16 Ủy viên của Hội đồng bầu cử Quốc gia.

    - Quốc hội đã tiến hành miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vương Đình Huệ (do được Bộ Chính trị điều động và giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội); miễn nhiệm chức danh Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện (do được Bộ Chính trị điều động, phân công tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên); bầu ông Dương Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau giữ chức Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

    3.5. Nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

    - Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, trong đó đã quyết định kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước giai đoạn 2017-2020 sang năm 2021; lùi thời gian ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên sang năm 2021; bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.

    - Quốc hội giao Chính phủ: Chủ động trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2020 phù hợp với tình hình thực tế. Tập trung thực hiện các giải pháp chống thất thu, tiết giảm chi ngân sách nhà nước, cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020.

    - Đối với trường hợp đặc biệt, cần thiết: Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2020 giữa các bộ, ngành, địa phương. Chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 01/7/2020. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt nhất các Nghị quyết của Quốc hội, nhất là những vấn đề phát sinh, kịp thời báo cáo Quốc hội; thực hiện về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; chú trọng việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa, bảo đảm giá sách phù hợp với thu nhập của người dân; có chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh vùng dân tộc, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020...

  • Tác giả: Phạm Văn Tuân - phòng VH&TT huyện
  • Nguồn tin: Ban Tuyên giáo Trung ương
  • Các tin bài khác:
  • Huyện Điện Biên triển khai kế hoạch VHTTDL-TTTT năm 2018
    Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng thăm và tặng quà gia đình chính sách và hộ nghèo tại Bản Mển - huyện Điện Biên
    Lễ bàn giao Cụm Thông tin cơ sở tại cửa khẩu Quốc tế Tây Trang - huyện Điện Biên.
    Quà Tết cho học sinh thuộc các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Điện Biên
    Huyện Đoàn Điện Biên nhận hỗ trợ học sinh khuyết tật
    Lễ hội Bánh Chưng xanh
    XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI XÃ NOONG HẸT HUYỆN ĐIỆN BIÊN
    CHƯƠNG TRÌNH LỄ HỘI HOA BAN 2018
    Tỉnh đoàn Điện Biên phối hợp với Huyện đoàn Điện Biên tổ chức Lễ phát động tháng thanh niên năm 2018
    Huyện Điện Biên tổ chức khai xuân năm 2018
    271-280 of 2081<  ...  23  24  25  26  27  28  29  30  31  32  ...  >
  • Bản đồ hành chính
  • Liên kết Website
  • Chọn liên kết:
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập: